Định nghĩa Freelancer dành để chỉ những người làm việc tự do, không giới hạn về thời gian, nơi làm việc .. nhưng sự tự do trong khái niệm này cần phải được đánh đổi bằng nhiều khía cạnh “khó nhằn”, mà không phải ai cũng có thể đáp ứng được.

Tự do trong “khuôn khổ”

Khi trở thành một Freelancer có nghĩa bạn được tự do làm việc, thoải mái thời gian, không còn cảnh kẹt xe mỗi sáng, chạy đua mỗi ngày để chấm công đúng giờ. Nhưng thực tế, bạn chỉ đang thay thế sự quản lý của người khác, bằng chính sự kỷ luật của bản thân mình.

Nhận ít thì không đủ thu nhập, nhận nhiều thì không đủ sức để làm, hoặc chính bản thân cũng không hoạch định được lượng công việc mà bản thân có thể đảm nhận. Điều này dễ khiến bạn lâm vào cảnh khốn đốn, tự tạo áp lực cho bản thân nhưng lại không đem lại nguồn thu nhập như mong muốn.

Chính vì vậy, đây là loại hình làm việc không dành cho những người “lười”, thiếu kỷ luật và không tự sắp xếp được kế hoạch làm việc cho bản thân. Nhận được công việc đã là một điều khó, nhưng nhận rồi lại không thể tự đặt ra kế hoạch để hoàn thiện nó, thì chính bạn đang tự đạp đổ chén cơm của mình.

Làm việc bằng “thương hiệu” bản thân

Để làm việc Freelancer, bạn cần phải có ít nhất một khả năng nhất định, đa phần nhằm vào nhóm nghề: thiết kế, lập trình, content, đồ hoạ… Nếu đi làm công sở, khách hàng sẽ nhìn vào công ty đối tác để liên hệ công việc, thì Freelancer phải tự xây dựng thương hiệu cho bản thân mình thì mới mong kiếm được “mối làm ăn”.

Như vậy có nghĩa Freelancer không dành cho những người chập chững mới vào nghề. Bạn cần phải có quá trình tích luỹ kinh nghiệm nơi công sở, những mối quan hệ nhất định… và tiếp đó là phải liên tục học hỏi làm mới bản thân, tích luỹ thêm nhiều kiến thức, và quan trọng không kém chính là xây dựng chữ “tín” đối với khách hàng. Bạn cần phải nỗ lực gấp đôi, thậm chí gấp 3 những người làm công sở, đó chính là cách để tự xây dựng thương hiệu cho bản thân, để có được những khách hàng lâu dài và thu nhập ổn định.

Áp lực về “nguồn thu”

Thay vì làm việc 8 tiếng/ ngày, đền kỳ lĩnh lương đúng hẹn ở mức cố định, thì Freelancer lại hoàn toàn khác. Thu nhập của bạn nhiều hay ít phụ thuộc vào khối lượng công việc mỗi tháng mà bạn có thể hoàn thiện. Và đương nhiên, nhiều nguồn thu sẽ không thể cố định hay đúng hẹn, thậm chí rủi ro về việc bị quỵt tiền công, hay huỷ hợp đồng vì không đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi những khoản chi mỗi tháng vẫn cần phải trả, dẫn tới áp lực “nguồn thu” là chuyện khó tránh.

Hơn nữa, Freelancer không có chế độ nghỉ phép, BHXH hay những khoản hỗ trợ khác như người làm công ăn lương. Nên nếu không may sức khoẻ không thể đáp ứng được công việc, thì thu nhập của bạn sẽ ngưng trệ. Chính vì vậy, khi quyết định trở thành một Freelancer bạn cần phải chuẩn bị sẵn một khoản tích luỹ, hoặc chỉ nên xem Freelancer là một nghề tay trái.

Không tránh khỏi được sự cạnh tranh

Trong thời đại internet, rất dễ để bắt đầu một công việc Freelancer, những tiện ích trước mắt mà loại hình này đem lại cũng không thể phủ nhận, và cũng đã có nhiều người thành công. Chính vì vậy, hơn bất cứ ngành nghề nào Freelancer có một sự cạnh tranh gay gắt.

Có rất nhiều người làm chung một ngành nghề, mức giá đưa ra cũng không mặc định cụ thể, dịch vụ cũng do từng cá nhân tự đề ra. Do đó, chỉ cần đối thủ có mức giá thấp hơn, hay dịch vụ tốt hơn thì bạn dễ dàng bị loại. Nếu không ngừng cải thiện bản thân, nâng cao chất lượng dịch vụ, thì “thương hiệu” mà bạn dày công xây dựng sẽ nhanh chóng đi xuống, thu nhập cũng vì vậy mà sa sút.

Chỉ làm bạn với “vật vô tri”

Nhiều người không chịu được sự “cô đơn” khi hằng ngày chỉ ở trong bốn bức tường, làm việc cùng với máy tính. Việc thiếu đi sự tương tác với đồng nghiệp nơi công sở, thiếu kết nối với nhiều mối quan hệ khác trong công việc… chính là thứ áp lực khiến nhiều người buộc phải từ bỏ công việc Freelancer.

Một lần nữa cần phải nhấn mạnh Freelancer chỉ dành cho những ai có thể tự sắp xếp, hoạch định được kế hoạch cho bản thân. Nếu không biết cách tự cân bằng giữa công việc và nhu cầu cuộc sống thường ngày, thì dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm, u uất.

 

Với những ai lựa chọn chuyển sang làm Freelancer, thì cần phải xác định rõ mục tiêu, chuẩn bị kỹ lưỡng về các mối quan hệ liên đới, và tiềm lực kinh tế nhất định, thì mới có thể tự duy trì và phát triển bản thân. Bất cứ công việc nào cũng có những có khăn nhất định, chuẩn bị tốt cho bản thân, lường trước những điều cần phải đối mặt, cố gắng hết sức để duy trì đi theo mục tiêu đã định. Thành công sẽ chỉ đến với những người chăm chỉ và nỗ lực hết mình.