Đó là lời phát biểu của Louise Malkinson, đạo diễn bộ phim tài liệu nói về vụ mất tích bí ẩn chưa có lời giải đáp của chuyến bay MH370. Chuyến bay dân dụng suất phát từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh của Hãng hàng không Malaysia Airlines, ngày 8/3/2014.
“Đó là bí ẩn hàng không lớn nhất mọi thời đại... Chúng ta đang sống trong một thế giới có điện thoại di động, radar, vệ tinh và thiết bị theo dõi… nhưng đã 9 năm trôi qua mà chúng ta vẫn chưa thể làm sáng tỏ nhiều điều, đó là chuyện vô cùng bất thường" – lời phát biểu của Louise Malkinson và bộ phim tài liệu của ông, một lần nữa nhắc nhở toàn thế giới về sự kiện hi hữu đầy bí ẩn này.
Thực tế, gia đình của các nạn nhân chưa từng từ bỏ hy vọng, và họ đang vận động để triển khai một chiến dịch tìm kiếm mới. Họ kêu gọi chính phủ Malaysia cho phép một công ty thám hiểm đáy biển của Mỹ có tên Ocean Infinity, tiếp tục thực hiện một cuộc tìm kiếm sớm nhất vào mùa hè năm nay, sau nỗ lực thất bại của họ vào năm 2018. Thời điểm đó, Ocean Infinity được chính phủ Malaysia mời tham gia tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích, với chi phí đề nghị lên tới 70 triệu USD, song không đem lại kết quả. Trước đó Malaysia,Trung Quốc và Úc cũng đã kết thúc chiến dịch tìm kiếm tiêu tốn gần 200 triệu đô vào tháng 1/2017, sau thời gian dài 2 năm không đem lại kết quả.
Ngày 5/3 vừa qua, trong sự kiện tưởng niệm đánh dấu 9 năm kể từ khi MH370 bị mất tích. Một nhóm quy tụ thân nhân những người có mặt trên chuyến bay MH370 có tên Voice370, đã lên tiếng kêu gọi chính phủ chấp thuận bất cứ đề xuất nào từ phía công ty Ocean Infinity, để tái thực hiện việc tìm kiếm chuyến bay xấu số. Trên cơ sở thánh toán chi phí có điều kiện, chẳng hạn chỉ được trả tiền nếu thành công. “Ocean Infinity, trong 12 tháng qua đã đạt được những tiến bộ thực sự, khi làm việc với nhiều người và tìm hiểu thêm nhiều vấn đề liên quan đến sự việc năm 2014… điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể cơ hội thành công, khi triển khai kế hoạch tìm kiếm mới” – Voice 370 nêu quan điểm của mình trong sự kiện trên.
Trả lời cho yêu cầu đó, trong một thông điệp gửi đến các gia đình trong sự kiện tưởng niệm, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anthony Loke – Malaysia đã tuyên bố “sẽ không đóng lại cuốn sách về MH370”. Đồng thời, việc tìm kiếm sẽ được cân nhắc tiếp tục nếu có những thông tin mới đáng tin cậy, về vị trí chiếc máy bay từ các bên lên quan.
Nhìn lại hành trình của MH370
0 giờ 40p, ngày 8/3/2014 (theo giờ Malaysia), tại sân bay Kuala Lumpur của Malaysia, chuyến bay MH370 – Boing 777 thuộc Hãng hàng không Malaysia Airlines xuất phát với điểm đến Bắc Kinh – thủ đôTrung Quốc, dự kiến chuyến bay sẽ hạ cánh lúc 6h30 sáng cùng ngày.
Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah – 53 tuổi là một trong những người giàu kinh nghiệm và được kính trọng nhất của hãng Malaysia Airlines, đã được giao trọng trách điều khiển chuyến bay. Đồng hành cùng ông trên buồng lái là cơ phó Fariq Hamid, cùng 10 tiếp viện, tất cả đều là người Malaysia. Tổng cộng trên chuyến bay hôm đó có 239 người, bao gồm thêm 227 hành khách, trong đó có 2 trẻ sơ sinh. Phần lớn hành khách là người Trung Quốc, cùng 38 người Malaysia và các công dân của Indonesia, Ukraine, Canada, New Zealand, Hà Lan, Nga, Đài Loan – Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, và Iran.
Tín hiệu cuối cùng nhận được, là khoảng 40p sau khi chuyến bay cất cánh. Cơ trưởng Zaharie đã trả lời “Chúc ngủ ngon, Malaysia 370”, sau khi đài kiểm soát không lưu của Malaysia thông báo bàn giao chuyến bay cho đài kiểm soát không lưu của TPHCM – Việt Nam. Sau 2 giờ bay, MH370 đột ngột biến mất khỏi màn hình radar. Vị trí sau cùng chính thức được ghi nhận của nó là 6 độ 56 phút Bắc, 103 độ 35 phút Đông, thuộc vùng biển cách mũi Cà Mau – Việt Nam 120 hải lý (khoảng 230km) về phía tây nam.
Ngày 15/3/2014, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đưa ra thông báo xác nhận, chuyến bay MH370 đã tự chuyển hướng quay ngược về khu vực phía bắc Malaysia tới Ấn Độ Dương. Nó đã bay thêm ít nhất 7h nữa kể từ khi chính thức mất tín hiệu từ mặt đất. Tín hiệu tự động cuối cùng phát ra từ chiếc máy bay là vào khoảng 8h sáng cùng ngày, dù đã được vệ tinh tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí thời điểm đó của MH370.
Chi phí khổng lồ cho việc tìm kiếm MH370
Sau khi chuyến bay MH370 được chính thức thông báo mất tích, một chiến dịch khổng lồ, tiêu tốn hàng trăm triệu đô đã được triển khai trên quy mô rộng lớn, với nhiều nước cùng tham gia tìm kiếm như: Mỹ, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam… để tìm kiếm chiếc máy bay. Nhưng tất cả vẫn chỉ là ẩn số, nguyên nhân chính thức của sự việc vẫn chưa được xác định.
Theo ước tính của Peter Roberts, một chuyên gia nghiên cứu về Năng lượng biển và Hàng hải tại Học viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (Rusi), dự án này có thể lên đến 20-25 triệu bảng Anh ( khoảng 33-42 triệu USD).
Trong đó, đi đầu là Bộ quốc phòng Úc với 550.000 AUD mỗi ngày để duy trì hoạt động tìm kiếm. Và con số đã lên tới khoảng 7,7 triệu AUD (khoảng 7,2 triệu USD) sau 1 năm. Bộ quốc phòng Mỹ đã tiêu tốn khoảng 4 triệu USD để hỗ trợ cho chiến dịch. Việc tìm kiếm được mở rộng khoảng 120.000km vuông ở phía nam Ấn Độ Dương. Cho đến khi chính thức dừng lại sau khoảng 2 năm, một con số khủng đã được các quốc gia tổng hợp và ước tính là khoảng 200 triệu USD, cho việc tìm kiếm MH370. Đây là chi phí cao nhất trong lịch sự tính đến thời điểm hiện tại, cho việc tìm kiếm một chuyến bay bị mất tích.
Nguồn – Tổng hợp