Trong bộn bề cuộc sống, ta dễ dàng bắt gặp đâu đó những mảnh đời bất hạnh, nhọc nhằn mưu sinh trên khắp mọi nẻo đường của Sài Gòn. Nhưng không phải ai cũng mang một vẻ u uất, mà trong số họ đôi khi ta lại nhìn thấy được ánh mắt chứa đầy niềm vui và hạnh phúc.

Vào khoảng năm 2015, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một chú chó nhỏ nằm cuộn tròn ấm áp, trong chiếc giỏ hành nghề đánh giày của một người đàn ông tên “Ô” – tên gọi theo cách mà người đàn ông phát ra những âm thanh quen thuộc vì anh không nói được. Nhắc tới đây, chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh đầy thân thương ấy. Chúng ta thường giao tiếp bằng lời nói hoặc ánh mắt, nhưng số phận lại ghép 2 mảnh đời ấy lại bằng con tim. Điều đó được thể hiện qua cách mà anh trả lời với những người có thiện chí muốn mua chú chó của mình, anh vỗ vỗ vào ngực trái, ý muốn nói: “con chó là trái tim của tôi”. “Họ” hạnh phúc khi gặp được nhau, vui vẻ cùng nhau trải qua cuộc sống mưu sinh mỗi ngày.

Hay vào khoảng giữa năm 2021, dòng chữ “tôi bị câm điếc, xin cô bác làm ơn giúp đỡ. Cảm ơn nhiều”, xuất hiện trên chiếc xe đạp của ông cụ bán vé số. Trên tay ông là chú chó nhỏ, được ông vuốt ve cưng nựng, chú chó được cộng đồng mạng đặt tên một cách ưu ái là: “công chúa nhỏ của Sài Gòn”. Với cụ ông bán vé số “công chúa” không chỉ là một chú chó mà còn là động lực để sống, để cố gắng. Dù cuộc sống khó khăn, không đủ ăn đủ mặc, ông vẫn luôn dành dụm mua cho chú chó đầy đủ vật dụng, đồ chơi, hay những chiếc váy áo xinh xắn. Ông chăm chút cho chú chó ấy một cách tỉ mỉ, chỉnh chu như đang cố gắng xắp xếp lại một cách hoàn mỹ nhất số phận của cuộc đời mình.

Trên đây chỉ là hai ví dụ điển hình và cụ thể cho những hình ảnh mưu sinh khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, tích cực và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Vì sao lại như vậy?

Cuộc sống vốn dĩ không công bằng nhưng cũng không lấy hết của bất kỳ ai. Mỗi người sinh ra đều có định mệnh, và mang một số phận dành riêng cho mình. Mưu sinh là điều bắt buộc để sinh tồn, có những người nhìn thấy khó khăn vội buông bỏ, nhưng cũng có nhiều người đón nhận và chấp nhận những nhọc nhằn bằng tất cả sự lạc quan. Họ tự tìm cho mình niềm vui dù nhỏ nhặt, hoặc ngay khi ngừng tìm kiếm thì niềm vui có thể đến từ bất cứ đâu, miễn đủ “tinh thần” để nhìn thấy nó.

“Cẩn thận con… mẹ con mình cùng hát nha!” – kèm theo đó là nụ cười hạnh phúc của người mẹ, ánh mắt trong trẻo đầy vui vẻ của em bé ngồi trong chiếc xe đẩy tự chế, để theo mẹ đi bán vé số. Đây là hình ảnh mà tôi vô tình bắt gặp sáng nay trên đường, nó thân thương và đầy năng lượng tích cực đến kỳ lạ. Nguồn năng lượng đến từ những số phận nhọc nhằn mưu sinh nó có gì đó rất riêng, nó khiến người ta phải nhói lòng, cũng khiến người ta cảm thấy hạnh phúc.

Bất kỳ ai cũng có thể mang trong mình nỗi “nhọc nhằn” riêng. Có người thể hiện rõ bằng sự thiếu thốn vật chất, cũng có những người chật vật một cách âm thầm với nỗi niềm khó nói ở trong lòng. Nhưng những ai có thể tự học cách cân bằng, đón nhận những khó khăn bằng thái độ, tinh thần lạc quan tích cực, thì sự “nhọc nhằn” ấy sẽ dễ dàng bị phủ lấp bằng nhiều niềm vui, và hạnh phúc khác trong cuộc sống. Như cách mà anh Ô, cụ ông bán vé số đã làm. Họ có một cuộc sống chật vật về vật chất, nhưng không thiếu đi niềm vui và mục đích tồn tại, họ niềm nở với những điều đơn giản mà tạo hoá vô tình đem lại, họ vẫn là những người thực sự “hạnh phúc”.