Phim Việt đang bị kêu ca, “báo động đỏ” về chất lượng, thậm chí có không ít ý kiến đưa ra “phải tìm liều thuốc cấp cứu cho phim Việt” vì khán giả đã quá ngán ngẩm, mất niềm tin mà không chọn xem phim Việt nữa.
Mới đây, bộ phim Virus cuồng loạn của đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy, chiếu rạp từ 28.10 có doanh thu thuộc hàng thấp nhất trong lịch sử rạp Việt và chất lượng phim cũng dở đáng báo động. Phim thu 90 triệu đồng sau dịp cuối tuần đầu tiên, và đến nay sau 2 tuần công chiếu, phim chỉ thu được tổng cộng 144 triệu đồng.
Virus cuồng loạn gây thất vọng vì kịch bản chất lượng thấp cùng phong cách làm phim non tay đến ngô nghê, dàn diễn viên trẻ thiếu nội lực diễn xuất, phần âm thanh hình ảnh chưa đạt chuẩn... Phim kể về một đoàn phim đang quay phim về đề tài zombie tại một khu nghỉ dưỡng thuộc vùng núi bỗng bị các zombie thật tấn công. Nguồn cơn của zombie là những người ăn phải thực phẩm bẩn bị ngộ độc và biến thành xác sống...
[caption id="attachment_1819" align="aligncenter" width="300"]
Cảnh trong phim Virus cuồng loạn[/caption]
Phim có khởi đầu nhàm chán, diễn biến và kết phim lại càng khiến khán giả bật cười khi có một loạt tình huống không đầu không cuối, nhân vật hành động phi lý đến khó tin. Thuộc thể loại kinh dị, thế nhưng Virus cuồng loạn gần như không để lại bất kỳ cảm xúc sợ hãi hay hồi hộp nào. Khâu lồng tiếng của phim cẩu thả khi thoại không khớp với khẩu hình nhân vật. Âm nhạc sử dụng ngẫu hứng, nhiều cảnh chèn nhạc nền không liên quan... Phải nói
Virus cuồng loạn là bộ phim sản xuất năm 2022 nhưng với kỹ thuật cũ kỹ, lạc hậu như thời thập niên 1980. Phim ra rạp chỉ có thời lượng 73 phút, và được biết toàn bộ phim là thành quả “nhào nặn”, thêm thắt, cắt ghép từ một bộ phim thi tốt nghiệp trường điện ảnh, khó có thể coi là một dự án điện ảnh hoàn chỉnh.
Có thể thấy, Virus cuồng loạn là ví dụ điển hình cho lối làm phim cẩu thả, thiếu chất xám, thiếu tôn trọng người xem và là “phim thảm họa” của điện ảnh Việt; nhưng lại mạnh dạn đem chiếu rạp để “ăn tiền” khán giả. Nhiều bình luận trên các diễn đàn điện ảnh cho rằng: “Bỏ tiền xem phim Việt dở là coi rẻ sức lao động của bản thân”. Quả thật, khán giả VN hiện giờ đã có thể tiếp cận với đa dạng tác phẩm hay đến từ nhiều nền điện ảnh quốc tế nên trình độ thưởng thức, nhu cầu giải tríđã cao hơn, và chẳng có lý do gì họ ủng hộ những bộ phim kém chất lượng đến mức coi thường khán giả như kiểu phim
Virus cuồng loạn, Cù lao xác sống, Duyên ma, Mưu kế thượng lưu... Khán giả Ngọc Nhi bày tỏ: “Phim Việt lỗ là điều dễ hiểu. Điều đó chứng tỏ khán giả Việt đã bớt dễ dãi. Khán giả đã quá bội thực trước những bộ phim chất lượng trung bình yếu, dẫn đến việc quay lưng với điện ảnh trong nước. Chúng ta cứ hô hào phải ủng hộ phim Việt nhưng với kiểu làm phim mì ăn liền, kể một câu chuyện lủng củng, phi lý, sượng trân, không hề tôn trọng khán giả thì làm sao khiến khán giả bỏ tiền ra mua vé xem được; trong khi cũng với số tiền vé đó xem phim ngoại chỉn chu mọi thứ, nhiều lớp lang ý nghĩa, giải trí tốt hơn, chứ không phải họ sính ngoại chọn phim bom tấn nước ngoài để xem”.