Kinh tế tuần hoàn không phải là trào lưu "sớm nở tối tàn", mà sẽ trở thành định hướng đầu tư bài bản của các doanh nghiệp lớn cũng như startup, bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho biết, kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2016 thông qua một hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, kinh tế tuần hoàn đã nhanh chóng trở thành một xu hướng mạnh mẽ, được hội nhập vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã hưởng ứng tích cực mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc thành lập nhiều tổ chức, liên minh về kinh tế tuần hoàn và ứng dụng giải pháp tuần hoàn trong nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm nông nghiệp, quản lý chất thải, vận hành khu công nghiệp, năng lượng, bán lẻ... Có thông tin từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chỉ ra rằng 60-70% doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức về kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh rằng dù khái niệm này ngày càng phổ biến, không phải ai cũng thấu hiểu bản chất của kinh tế tuần hoàn. Qua quá trình làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, bà Linh chỉ ra ba hiểu nhầm phổ biến về kinh tế tuần hoàn.
Thứ nhất, kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái chế. Tái chế chỉ giải quyết khâu cuối cùng của vòng đời sản phẩm sau khi thải bỏ, trong khi kinh tế tuần hoàn đòi hỏi thay đổi trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Đầu tư vào kinh tế tuần hoàn mang tính chiến lược, đi từ gốc chứ không chỉ giải quyết phần ngọn bằng tái chế.
Các doanh nghiệp đã ứng dụng nhiều giải pháp trong chuỗi giá trị nhằm hướng đến kinh tế tuần hoàn, thông qua nguyên tắc kéo dài vòng đời sản phẩm để tối ưu giá trị và giảm thiểu xả thải ra môi trường. Mặc dù có thể đôi khi kéo dài vòng đời sản phẩm dẫn đến giảm doanh thu, nhưng đối với thế hệ người tiêu dùng mới, điều quan trọng là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và bền vững. Bên cạnh đó, kéo dài vòng đời sản phẩm cũng tạo cơ hội kinh tế và tương tác tốt hơn với khách hàng thông qua các dịch vụ sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng sản phẩm.
Thứ hai, kinh tế tuần hoàn không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn. Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giải quyết xung đột giữa lợi ích môi trường và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh rằng nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công giải pháp kinh tế tuần hoàn và tạo ra giá trị kinh tế đáng kể. Ví dụ, công ty Ecotech Vina đã giúp Samsung Việt Nam tiết kiệm hàng chục triệu USD mỗi năm thông qua việc tái sử dụng khay nhựa trong nhà máy. Các doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cũng tiết kiệm được chi phí nhờ trao đổi phụ phẩm sản xuất để tái chế.
Đầu tư vào kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại giá trị và sự kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp, mà đối với các doanh nghiệp nhỏ và startup, đây còn là cơ hội để có lợi nhuận cân bằng với giá trị môi trường.
Thứ ba, kinh tế tuần hoàn không chỉ là trào lưu tạm thời. Việc kinh tế tuần hoàn có phải trào lưu tạm thời hay không phụ thuộc vào cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn lớn và lực lượng doanh nghiệp nhỏ, startup.
Thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn yêu cầu một quá trình lâu dài để thay đổi từ tư duy đến hành động. Để thay thế những chiếc cốc sử dụng một lần, cần phải có sự tuyên truyền, giáo dục và khuyến khích kéo dài để thay đổi hành vi của từng người tiêu dùng.
Với những lợi ích vượt trội về môi trường và giá trị kinh tế mà kinh tế tuần hoàn mang lại, bà Nguyễn Phương Linh khẳng định rằng đầu tư vào kinh tế tuần hoàn là một đầu tư mang tính chiến lược và bền vững cho doanh nghiệp. Nhằm thúc đẩy xu hướng này, bà Linh kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và startup hãy đầu tư vào kinh tế tuần hoàn một cách bài bản, có kế hoạch lâu dài để biến nó thành một xu hướng thịnh hành trên thị trường, góp phần vào bảo vệ môi trường và xây dựng một kinh tế bền vững cho đất nước.
Thanh Hà