Mạng xã hội những ngày gần đây lại được dịp bùng nổ thông tin trái chiều về một số TikToker làm nghề review có nhận xét, đánh giá tiêu cực về sản phẩm, ẩm thực. Tuy nhiên, trong 'chuỗi drama' chưa có hồi kết này, thì đến nay các quán ăn, cửa hàng vẫn ngậm ngùi chịu thiệt.

Mới đây, chủ đề đang rất thu hút sự quan tâm của các dân cư mạng một lần nữa được nhắc tới xoay quanh những vấn đề liên quán đến TikToker review ẩm thực, hàng quán. Lần này là 'chiến thần' Võ Hà Linh - một người sáng tạo nội dung và người thường xuyên review về các quán ăn, nhãn hàng mỹ phẩm bị cộng đồng mạng phản đối kịch liệt.

Sự khen chê của Hà Linh nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều vì mang tính cá nhân, chưa hiểu biết hết về món ăn vùng miền và kiến thức ẩm thực. Đồng thời, những lần review đó Hà Linh liên tục chê bai các món ăn đặc trưng kiến nhiều người phải bày tỏ sự bức xúc thay cho chủ quán…

Chuyện review quán ăn nóng trở lại

Bên cạnh làn sóng chỉ trích đến từ dân cư mạng, các hàng quán cũng 'thi nhau' đăng tải hình ảnh 'cấm cửa' cô nàng hot tiktoker Hà Linh đến review quán ăn của mình. Điều này tạo sức ép lớn khiến cô phải lên tiếng xin lỗi và tuyên bố không review quán ăn nữa.

Một trong những câu hỏi của cộng đồng gửi đến Hà Linh liệu có bù đắp được những thiệt hại mà cô đã gây ra sau khi phát những đoạn video review về các quán ăn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Thạc sĩ Lê Anh Tú, Giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - truyền thông, Trường ĐH Văn Lang nói rằng từ những ồn ào của Hà Linh gần đây và các TikToker làm nghề review món ăn, hàng quán không quá mới, mà đã râm ran vài năm nay. Đặc biệt từ giữa cuối 2022 đến nay sự quan tâm của xã hội về vấn đề này càng cao hơn. Lý do có thể một phần vì sự phát triển ngày càng mạnh của mạng xã hội này ở nước ta, phần khác là vì một số TikToker đã có cách thể hiện thái quá trong cách họ review, nhằm tạo phong cách riêng hoặc câu view, tương tác.

Theo thạc sĩ Tú, xét về chất lượng, chiều sâu, các KOL (người nổi tiếng trên mạng xã hội) chuyên review thức ăn, hàng quán vẫn chưa có nhiều sự phát triển, mà đang thiên về cách sáng tạo nội dung mang tính vui vẻ gần gũi, chủ yếu nhìn nhận về không gian, cách bài trí, trải nghiệm người dùng hơn là thực sự am hiểu ẩm thực. Ngoài ra, cũng có vài trường hợp các KOL đang phê bình, chê bai quá đà như trường hợp của Hà Linh là một điển hình.

"Đúng là nghề này hiện nay kiếm ra tiền. Tuy nhiên, cũng như bao nghề nghiệp khác, nếu bạn trẻ muốn đi xa trong lĩnh vực của mình, bạn cần vững chuyên môn. Ở lĩnh vực sáng tạo nội dung, chuyên môn bao gồm một số kỹ năng, kiến thức chính là sự am hiểu về truyền thông, mạng xã hội, kỹ thuật quay dựng. Và tất nhiên không thể thiếu sự hiểu biết về quy định pháp luật để không sa đà vào những nội dung có khả năng bị "vạ miệng". Bên cạnh đó, chuyên môn về lĩnh vực mình review là rất quan trọng, cần sự am tường ở một chừng mực nhất định để cẩn trọng hơn trong phát ngôn", thạc sĩ Tú nói thêm.

Thạc sĩ Tú cho rằng các chuyên gia pháp lý đã phân tích khá nhiều và cụ thể về câu chuyện này. Khung hành lang pháp lý của nước ta về truyền thông cũng đang dần hoàn thiện để theo kịp với sự phát triển mạnh của mạng xã hội. Giới trẻ cần có sự cập nhật sâu sát những quy định mới từ pháp luật nước sở tại. Không thể nói rằng những người làm nghề review ở các nước khác làm được thì mình cũng làm được, vì như vậy về cơ bản là ngộ nhận và quá thiếu sự thận trọng. Mạng xã hội sống động và phát triển được vì sự sáng tạo, song không nên đi quá đà.

Thạc sĩ Tú lưu ý: "Không riêng người trẻ mà bất cứ ai nếu chưa trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm khi làm review cũng sẽ dễ dàng mắc sai sót do non tay. Ví dụ, người làm review sẽ thể hiện sự chủ quan trong nhận định, so sánh hay phân tích, hoặc đưa ra các kiến giải, nhận xét hời hợt, chưa nắm rõ các nguyên lý về ẩm thực… ".

Thạc sĩ Tú khuyên các bạn trẻ làm review cần cẩn trọng và có sự tiếp thu các đóng góp sẽ tốt hơn, giúp chính mình có sự nghiệp sáng tạo nội dung bền vững hơn và xã hội cũng bớt đi những tranh cãi không đáng có.

Các quán ăn có thể kiện TikToker

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khi một TikToker tự ý nhận xét ác ý, thái quá, bêu xấu hay làm giảm uy tín của các cửa hàng, nhãn hàng và đăng lên trang cá nhân có lượt theo dõi lớn của mình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

Tuy nhiên, cũng phải xét tùy tính chất, hành vi phạm mà cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử phạt các đối tượng vi phạm. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này có thể là Thanh tra của Sở thông tin và truyền thông, cơ quan công an ở địa phương. Các đối tượng có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể sẽ chuyển cơ quan công an xử lý hình sự đối với các tội danh theo quy định của Bộ Luật Hình sự như: tội vu khống (Điều 156); tội làm nhục người khác (Điều 155); tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288)…

Theo luật sư Nhật, việc người làm review đánh giá, nhận xét về sản phẩm và hàng quán hoàn toàn không sai. Trường hợp các reviewer (người làm review) có hành vi quá đà, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân hoặc tổ chức và lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, với mức phạt từ 10-30 triệu đồng tùy mức độ.

"Trường hợp, nếu tính chất mức độ của hành vi vi phạm là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu sản phẩm thì các cửa hàng, quán ăn và nhãn hàng có thể tố giác tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý. Bên tố giác cần cung cấp cụ thể các tài liệu, bằng chứng để cơ quan điều tra làm rõ các hành vi vi của bên vi phạm như: hành vi bịa đặt, loan truyền những điều sai sự thật, vu khống, hành vi sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông…", luật sư Nhật nói.

Để làm điều này, luật sư Nhật cho biết trước nhất các quán ăn, nhãn hàng cần thu thập, cung cấp các tài liệu chứng minh bị thiệt hại từ các hành vi trái phép đó gây ra như: hóa đơn chứng từ liên quan việc bị thiệt hại, bị sụt giảm doanh thu, thiệt hại về kinh tế, bị khách hàng từ chối sản phẩm, hủy hợp đồng liên quan,…

Cũng theo luật sư Nhật, trong thực tế đối với các doanh nghiệp, các cửa hàng, quán ăn và nhãn hàng là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất và có thể bị thiệt hại về vật chất, thương hiệu, uy tín rất lớn vì hành vi vi phạm của TikToker khi tự ý nhận xét ác ý, thái quá, bêu xấu trên trang cá nhân. "Tuy vậy, bản thân bên bị thiệt hại cũng rất khó thống kê, rất khó chứng minh, khó khắc phục hậu quả của các TiKToker review quán ăn này", luật sư Nhật nói.