Truyền thông Anh đưa tin em bé đầu tiên có DNA của ba người đã chào đời thành công tại nước này nhờ một công nghệ thụ tinh nhân tạo (IVF) đột phá.

Theo Guardian, kỹ thuật đột phá này được gọi là “điều trị hiến tặng ti thể” (MDT), sử dụng mô từ trứng của người hiến tặng nữ khỏe mạnh để tạo ra IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) không có các đột biến có hại mà người mẹ mang và có khả năng truyền lại cho con cái. Đây là nỗ lực nhằm phòng tránh các trường hợp mắc bệnh di truyền hiếm gặp.

Do phôi kết hợp tinh trùng, trứng của cha mẹ ruột và một phần ti thể từ người hiến tặng, đứa trẻ sinh ra mang DNA của ba người. Các nhà khoa học đã sử dụng cụm từ "em bé có ba cha mẹ" để mô tả trường hợp này, tuy nhiên hơn 98,8% DNA của em bé đến từ cha mẹ ruột.

Không giống như DNA thông thường có thông tin di truyền giúp tạo nên mỗi cá nhân chúng ta, DNA ty thể cung cấp năng lượng cho tế bào nên được so sánh với một cục pin.
Không giống như DNA thông thường có thông tin di truyền giúp tạo nên mỗi cá nhân chúng ta, DNA ty thể cung cấp năng lượng cho tế bào nên được so sánh với một cục pin

Kỹ thuật ‘điều trị hiến tặng ti thể’ được bác sĩ tại Trung tâm Sinh sản Newcastle tiên phong thực hiện nhằm giúp những người phụ nữ có ty thể đột biến sinh con mà không mắc rối loạn di truyền. Các khiếm khuyết này có thể dẫn đến rối loạn dưỡng cơ, động kinh, tim mạch và thiểu năng trí tuệ, khiến người mắc mang bệnh cả đời, thậm chí tuổi thọ chỉ kéo dài vài năm.

Đó là một biện pháp nhằm tạo ra phôi IVF không ẩn chứa các đột biến có hại mà người mẹ mang theo cũng như có khả năng truyền lại cho con cái của họ.

Các nhà khoa học sẽ lấy vật liệu di truyền từ trứng hoặc phôi của người mẹ ruột có ty thể bị lỗi, sau đó chuyển vào trứng hoặc phôi của người hiến tặng có ty thể khỏe mạnh (đã loại bỏ các phần khác của DNA). Tiếp đến, phôi được thụ tinh được đưa vào tử cung của người mẹ.

Điều trị hiến tặng ty thể đã được Quốc hội Anh thay đổi luật để cho phép thực hiện từ năm 2015 và Trung tâm Sinh sản Newcastle trở thành trung tâm quốc gia đầu tiên và duy nhất được cấp phép thực hiện.

Tính đến cuối tháng 4/2023, trung tâm cho biết đã có "một vài" đứa trẻ có DNA của ba người đã chào đời tại Anh, song không tiết lộ danh tính vì lo ngại có thể ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của họ.

Nước Anh không phải là quốc gia đầu tiên chứng kiến những em bé được sinh ra nhờ phương pháp MDT.

Ca sinh đầu tiên của một đứa trẻ thông qua MDT xảy ra năm 2016 tại Mexico, với cha mẹ là một cặp vợ chồng người Jordan và quy trình này được giám sát bởi các chuyên gia sinh sản Mỹ. 

Nhiều nhà phê bình phản đối các kỹ thuật sinh sản nhân tạo, cho rằng còn nhiều cách khác để phòng tránh truyền bệnh từ mẹ sang con, chẳng hạn hiến trứng hoặc xét nghiệm sàng lọc. Số khác cảnh báo việc điều chỉnh mã di truyền theo cách này có thể tạo làn sóng dịch vụ sức khỏe mới. Các bậc cha mẹ sẽ muốn sử dụng kỹ thuật MDT để sinh con cao, khỏe mạnh, thông minh hoặc ưa nhìn hơn.

Tổng hợp