Thói quen bắt đầu một ngày làm việc bằng ly cà phê sáng, từ lâu đã gắn liền với nhịp sống của những người làm việc thuộc giới văn phòng. Vì sao lại như vậy?

Đối với đa phần những người làm việc trong môi trường văn phòng thì ly cà phê sáng giống như một “thói quen” nhiều hơn là “sở thích”. Cái gọi là “sở thích” thì có thể chỉ tức thời, nhưng “thói quen” là thứ hình thành từ trong tiềm thức một cách tự nhiên, nó tự nhiên đến mức khó bỏ.

Thói quen ấy được duy trì bằng nhiều cách. Có những người sẵn sàng để đồng hồ báo thức sớm hơn 30 phút, chỉ vì muốn có thêm khoảng thời gian đầu ngày, nhấm nháp ly cà phê cùng đồng nghiệp. Người bận rộn tìm cho mình những hàng quán quen thuộc, quen đến mức chỉ cần dừng xe thì nhân viên đã có thể làm ra một ly cà phê theo đúng sở thích của bạn, để mang đi thưởng thức tại nơi làm việc.  

Người xưa có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”, còn hiện tại giới văn phòng lại có châm ngôn “cà phê khởi đầu ngày mới”. Nếu một ngày không được bắt đầu như thế, thì như mất đi một món ngon, một thú vui của cuộc sống.

Theo một nữ nhân viên làm việc tại TPHCM chia sẻ: “buổi sáng mình có thể không ăn, nhưng ly cà phê là thứ không thể thiếu”. Khi tôi hỏi vì sao? Câu trả lời chỉ đơn giản “tại mình thèm”. Đúng như vậy, một ly cà phê sáng không chỉ giúp tỉnh táo, tăng khả năng tập trung và hiệu suất làm việc, mà nhiều người uống chỉ vì lý do đơn giản đó.

Nhiều nam đồng nghiệp dù không thân, vẫn có thể ngồi lại cùng nhau bên những ly cà phê quen thuộc. Đôi khi không cần diễn đạt bằng lời, cái họ cần chỉ là sự đồng điệu về tâm hồn, về sở thích, thói quen. Từ những mẩu chuyện nhỏ hết sức đời thường, hay những tin tức nóng bỏng trên mặt báo, cũng có thể trở thành chủ đề để gắn kết những “người đàn ông” lại với nhau. Đó là sự gắn kết vô hình, và độc đáo của những giọt cà phê buổi sớm mai.

Đặc thù tính chất công việc của giới văn phòng là làm về trí óc, caffeine có trong cà phê là hoạt chất gây kích thích não và hệ thần kinh trung ương, giúp tỉnh táo và ngăn ngừa mệt mỏi. Tuy nhiên, chất này chỉ có tác dụng với những người không quen dùng nó, điều này đồng nghĩa với việc nếu sử dụng thường xuyên thì phải gia tăng lượng cà phê để đạt được mục đích mong muốn. Đây là việc không được khuyến khích, bởi việc uống quá nhiều cà phê sẽ gây ra những hệ quả không mong muốn như: mất ngủ, mất cảm giác thèm ăn, trao đổi chất kém.

Dù với mục đích hay nguyên nhân gì đi chăng nữa, thì hình ảnh ly cà phê treo trên xe, đặt trên bàn làm việc, hay những đám đông quần áo phẳng phiu, tụ tập hàng quán cùng nhau nhấm nháp ly cà phê sáng, sẽ vẫn mãi tồn tại một cách tự nhiên, như bản chất vốn có.

Vân Anh