Graffiti là tên gọi của một loại hình nghệ thuật vẽ tranh đường phố. Những bức tranh được phun vẽ trên tường bằng sơn, nó có thể được tạo ra từ bất kỳ ai có năng khiếu, đam mê nghệ thuật, và thích sự sáng tạo. Bộ môn Graffiti lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ, cho đến nay nó được đón nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam bộ môn nghệ thuật này chưa thật sự được quan tâm đúng cách.

Nghệ thuật Graffiti lần đầu tiên xuất hiện ở New York vào những năm 60-70 của thế kỷ trước. Khi các thanh niên đã vẽ lại tên của họ ở những chổ đông người như trạm xe điện ngầm, trạm điện thoại công cộng. Ban đầu chỉ là những nét vẽ, và bức tranh hết sức đơn giản, rồi chúng ngày càng phát triển và nhân rộng thành nhiều “tuyệt tác” nghệ thuật trên khắp đường phố New York.

Graffiti tạo nên nét riêng và hạn chế bớt sự nhàm chán cho những con đường

Người được nhắc đến nhiều nhất khi nói đến Graffiti là Taki. Ông tên thật là Demetrius, một người gốc Hy Lạp sinh sống tại New York. Công việc của ông thường xuyên phải di chuyển bằng tàu điện ngầm, từ đó những tác phẩm của ông xuất hiện ở rất nhiều nơi. Sau khi nhận lời mời phỏng vấn từ tờ New York Times ông bắt đầu được biết đến nhiều, và được giới trẻ học hỏi làm theo.

Ban đầu viết và marker là công cụ chính dùng để vẽ, nhưng nó lại khó sử dụng trên bề mặt tường. Do đó, người vẽ đã nhanh chóng sáng tạo và chuyển sang dùng bình xịt sơn, loại này có thể vẽ trên mọi bề mặt, rất nhanh và dễ sử dụng. Việc vẽ một bức tranh trên tường là cả một nghệ thuật đòi hỏi người vẽ phải có khả năng cảm thụ màu sắc, có sự sáng tạo và năng khiếu trong việc vẽ tranh. Sự kết hợp độc đáo từ những yếu tố đó sẽ cho ra được những “tuyệt tác” đường phố, thu hút ánh nhìn và tô vẽ thêm màu sinh động cho thành phố.

Căn phòng độc đáo theo phong cách Graffiti

Có xuất phát điểm không hề xấu, nhưng khi Graffiti du nhập vào Việt Nam bởi những bạn trẻ có tư tưởng phóng khoáng, yêu nghệ thuật. Thì bộ môn này lại trở nên “xấu xí” trong mắt người dân, với hàng loạt những hình vẽ không chủ đích, nham nhở và lem luốc bôi bẩn phố phường. Người nhìn không đón nhận Graffiti trên đường phố đa phần vì sự “cẩu thả” của người vẽ, chứ không hẳn có ác cảm với loại hình này.

Những hình vẽ Graffiti xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu đô thị lớn của Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình vẽ loang lỗ trên tủ điện, chân cầu, tường rào… thậm chí mới đây nhất, vào tối ngày 30/4 những “ nghệ nhân đường phố” còn tô điểm cho tuyến tàu metro số 1, những hình ảnh bắt mắt nhưng không hề đẹp mắt. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên metro số 1 bị sơn vẽ, điều tương tự đã diễn ra trước đó vào ngày 11/6/2022. Mọi trách nhiệm làm sạch đều thuộc về nhà thầu, điều đó không sai. Tuy nhiên, cũng cần phải có những biện pháp quản lý, răn đe triệt để để ngăn chặn tình trạng này.

Metro số 1 lần thứ hai bị "vẽ bậy"

Tại sao cùng là một loại hình nghệ thuật, cùng chất liệu, cùng được sáng tạo nên bởi những người trẻ tuổi tài năng. Nhưng ở nước ngoài Graffiti lại được chào đón, còn tại Việt Nam lại quá ngán ngẫm. Thiết nghĩ, người tạo nên những bức tranh nghệ thuật, để thể hiện cái tôi của bản thân thay vì bạ đâu vẽ đó, vẽ vô tôi vạ, thì hãy làm điều đó ở đúng nơi đúng chổ, để những tác phẩm nghệ thuật của họ thực sự mang một ý nghĩa đẹp như bản chất vốn có.

Bên cạnh ý thức của người làm nghệ thuật, thì cũng cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc từ cơ quan có thẩm quyền, để răn đe ngăn chặn tình trạng “vẽ bậy” xảy ra tràn lan như hiện nay. Ngoài ra, việc tạo điều kiện hay quy hoạch những khu vực phù hợp, đặt ra những đề tài hay tiêu chí cụ thể, để những “nghệ sĩ” đường phố có thể tự do sáng tác trong khuôn khổ, cũng là cách để vừa khắc phục tình trạng “vẽ bậy”, vừa làm đẹp và tạo nên những nét riêng độc đáo cho từng địa điểm.