Là kỹ sư công nghệ thông tin của một công ty nước ngoài, thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng nhưng anh Phong quyết định bỏ công việc này để đi theo ý tưởng và đam mê giày tây của mình.
Bỏ việc lương cao vì đam mê giày
Năm 2018, đang là kỹ sư công nghệ thông tin của một công ty nước ngoài, anh Đinh Thanh Phong (Hà Nội) quyết định nghỉ việc để đi học chuyên sâu về giày da. Anh nghĩ tuy công việc ổn định lương cao nhưng cứ lao đầu đi làm, cuối tháng đợi nhận lương, cuộc sống lặp đi, lặp lại khiến anh cảm thấy nhàm chán và không hài lòng với lựa chọn như vậy.
Thấy anh là một người đam mê giày tây và thường diện cho mình những đôi giày tây khi đi làm, chủ một quán cafe khuyên Phong đi bán giày và sẵn sàng giới thiệu khách hàng cho anh. Tuy nhiên, anh không muốn bán giày mà muốn làm việc đánh giày.
"Trên thế giới, nghề đánh giày đã được hình thành và nâng tầm từ khá lâu. Còn ở Việt Nam, mọi người bán giày nhiều nhưng không ai chăm sóc giày cả. Nghĩ là làm, ngay buổi trưa hôm đó, tôi lập trang fanpage đầu tiên với cái tên "Tiệm Đánh Giày" và sau này khi khởi nghiệp, những vị khách đầu tiên của tôi đều từ quán cafe đó", anh Phong chia sẻ.
Khi mới khởi nghiệp vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh làm song song 2 công việc, sáng vẫn đi làm văn phòng, chiều tan làm nhận giày về đánh cho khách. Vừa làm vừa học hỏi, sau vài tháng khởi nghiệp anh Phong nhận ra ở Việt Nam mọi người chỉ quen đánh giày ở vỉa hè, không ai biết chăm sóc đôi giày thế nào cho đúng nên anh đã có ý tưởng mở một tiệm đánh và chăm sóc cho những đôi giày tây.
"Lúc đó tôi ham lắm, tối nào cũng ngồi ở bàn làm việc trong góc phòng ngủ đánh giày cho đến nửa đêm. Ngày nào cũng lặp lại như vậy, những đôi giày buổi chiều nhận của khách bằng mọi giá đêm đó tôi phải đánh cho xong để sáng hôm sau kịp trả hàng", anh Phong kể.
Mọi người và bạn bè đều sốc khi biết anh Phong bỏ công việc 20 triệu đồng/tháng để theo đuổi đam mê đánh giày. Bên cạnh những lời ủng hộ cũng có không ít những chất vấn cho anh, tuy nhiên anh vẫn một lòng làm theo đam mê của mình.
Lo lắng với những đôi giày trăm triệu
Khi mới bắt đầu đánh giày, điều khiến anh cảm thấy khó khăn không phải là tiền bạc mà chính là những đôi giày hàng hiệu. Có những món đồ giá trị rất lớn, bởi vậy khi nhận lời làm cho khách, anh luôn thận trọng và nâng niu.
"Ai cũng nghĩ công việc này tầm thường, đơn giản, nhưng thực tế khi chuyển sang nghề này tôi đã phải tự làm mới bản thân, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Gần như không được phép để xảy ra sai sót, bởi có những đôi giày giá trị rất lớn. Chỉ cần một chút sai sót, vừa phải đền tiền, tiệm cũng mất uy tín. Có những đôi giày giá vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, tôi cầm trên tay mà... run, không biết làm gì vì sợ hỏng đồ", anh giải thích,
Đã có một khoảng thời gian khó khăn vì dịch Covid 19 ập đến, khiến cho đứa con tinh thần của anh cũng bị ảnh hưởng, hai người bạn cùng anh làm cũng từ bỏ vì không còn nhìn thấy tương lai. Nhờ niềm đam mê mãnh liệt đã giúp anh Phong cố bám trụ và duy trì cho đến tận bây giờ.
Từ một người không hiểu gì về đồ hiệu, để có kinh nghiệm phong phú như hiện tại, anh Phong mất gần 1 năm vừa làm, vừa học tại một cửa hàng nổi tiếng về đồ hiệu. Tiếp đó, anh dành thêm 6 tháng đến các xưởng đồ da hanmade để học.
Trải qua quá trình tự học và đúc rút kinh nghiệm, anh kỹ sư IT năm xưa giờ đây đã trở thành một người đánh giày chuyên nghiệp và là chủ một cửa tiệm chăm sóc giày da cao cấp.
"Tôi học công nghệ thông tin, nếu không tìm hiểu về hàng hiệu, không học may thì làm sao có thể làm được như bây giờ. Phải học hỏi nhiều thì khi khách mang đồ đến tiệm mới có thể biết đôi giày đó như thế nào, làm bằng chất liệu gì, có sửa chữa được hay không rồi tư vấn cho khách một cách phù hợp nhất", anh Phong cho biết.
Nâng tầm nghề đánh giày
Đến nay, sau 6 năm khởi nghiệp, tiệm đánh giày của anh Phong đã thu hút được lượng lớn khách hàng trong và ngoài nước. Anh cũng là nhân vật nổi tiếng khắp các nền tảng mạng xã hội khi làm clip chia sẻ công việc hằng ngày. Xây dựng cho mình thương hiệu riêng và tạo thêm thu nhập cho các bạn trẻ có cùng đam mê đồ da.
Anh Phong cho biết, tiền công đánh giày ở tiệm của anh là 150.000-250.000 đồng/đôi tùy nhu cầu của khách. Mỗi ngày nhận khoảng 15-20 đơn hàng, riêng dịp lễ Tết số lượng đơn cần xử lý tăng lên khoảng 30, có lúc anh phải từ chối bớt khách vì quá tải. Đặc biệt không vì chạy theo số lượng mà làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và uy tín của tiệm mình.
Anh cho biết, đôi giày giá trị vài triệu đồng hay cả trăm triệu đều được phục vụ với cùng một mức giá, không phân biệt cao thấp.
"Hiện tại mỗi tháng tôi có thể kiếm gần 200 triệu đồng nhưng khi lựa chọn theo đuổi nghề này, tôi muốn mọi người, ai cũng có thể nhận được dịch vụ chăm sóc giày tốt hơn việc đánh giày ngoài đường. Với tôi, kiếm tiền quan trọng nhưng hơn hết tôi muốn công việc hiện tại có thể giúp thay đổi thói quen sử dụng giày da của người Việt Nam và mở hơn nữa là đồ da nói chung", anh Phong chia sẻ.