Chị Đặng Lan Hương là một chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, có chứng nhận là coach (huấn luyện viên) chuyên nghiệp từ Liên đoàn Huấn luyện quốc tế (ICF). Chị Hương đã có hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Chứng khoán Rồng Việt, quỹ Việt Long, ngân hàng HSBC và Sacombank.

Ngồi cùng Vietcetera dịp này, chị Hương chia sẻ những trải nghiệm bản thân về hành trình tài chính cá nhân. Với chị Hương, bài học đầu tiên về tiền mà chị dạy cho con trẻ là biết phân biệt nhu cầu và mong muốn.

1. Bạn đã kiếm 250 triệu đầu tiên như thế nào?
Mình từng kinh doanh làm thiệp handmade hồi cấp 3, rồi bán hoa tươi hồi đại học. Tuy nhiên khoản tiền đáng kể đầu tiên mà mình kiếm được lại là từ đầu tư cổ phiếu. Đây cũng là vốn liếng cho việc đầu tư của mình sau này.

Mình mua 4 ngàn cổ phiếu của ngân hàng nơi mình làm việc lúc đó, từ lúc giá hơn 15 ngàn đồng. Trước đó 1 năm, mình được mua cổ phiếu với giá bằng mệnh giá, nhưng bỏ lỡ cơ hội do không đủ tiền. Mình không nhớ chính xác sau đó đã bán cổ phiếu giá bao nhiêu, nhưng số tiền mình nhận về khi cổ phiếu ấy niêm yết năm 2006 là hơn 250 triệu đồng.

Tạm bỏ qua chuyện số tiền đầu tiên kiếm được là do tài năng hay may mắn, việc nhìn cổ phiếu tăng 50% sau 1 năm, và thậm chí tăng gấp 4 lần sau 1 năm tiếp theo đã dạy mình bài học đầu tiên về việc nắm bắt cơ hội. Và để nắm bắt được, thì mình phải luôn sẵn sàng về mặt tài chính.

2. Khoản nợ lớn nhất trong quá khứ của bạn là gì?
Vay mua nhà.

Mình luôn cảm thấy quyết định mua nhà là đúng đắn. Nhưng về nguồn tiền để mua nhà thì mình không hài lòng với quyết định lúc đó của bản thân. Có thể vì lúc đó mình còn quá trẻ (mới 25 tuổi), và không có bất kỳ khái niệm nào về chu kỳ kinh tế.

Mình có tài sản lúc đó là cổ phiếu, giá trị đủ để mua 4 căn nhà. Nhưng mình chọn đi vay để mua nhà đúng vào dịp lãi suất tăng chóng mặt nhất. Cứ mỗi tháng là nhân viên tín dụng ngân hàng lại gọi thông báo điều chỉnh lãi vay. Mình vẫn nhớ đỉnh điểm lãi suất phải trả ngân hàng là 23%/năm.

Cho nên nếu bây giờ có bị đặt trong tình thế phải đi vay nợ, chắc chắn mình sẽ cân nhắc yếu tố lãi suất để tránh rơi vào tình trạng như 15 năm trước.