Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023, Tết năm nay đến sớm hơn thường lệ nên người trồng đào ở "thủ phủ" đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đang gấp rút thực hiện những công đoạn cuối để có một vụ mùa bội thu.

Cũng giống như mọi năm, vào những ngày này gia đình bà Trần Thị Minh (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật với công việc chăm sóc cho những gốc đào như tưới nước, vun thêm đất và đặc biệt là tuốt lại lá lần 2. Theo bà Minh, năm nay thời tiết diễn biến bất thường nên người dân vừa tất bật chuẩn bị nhưng cũng vừa thấp thỏm lo âu. "Thời tiết mà ấm lên thì những nhà tuốt lá muộn lại được, còn những nhà tuốt lá sớm thì hoa lại nở. Nói chung không thể nói trước được điều gì, thành bại của cả vụ đào còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, cứ phải đến giáp tết thì mới biết được nhà nào trúng nhà nào trượt", bà Minh nói.
Làng đào Nhật Tân tất bật cho vụ Tết - Ảnh 1.

Bà Minh tất bật thực hiện những công đoạn cuối cùng để hoa đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán 2023.

Theo kinh nghiệm của những người trồng đào lâu năm ở "thủ phủ" đào Nhật Tân, nếu thời tiết những ngày tới tiếp tục duy trì lạnh như hiện tại, rồi ấm dần lên vào cuối tháng 12 âm thì đào có thể sẽ nở đúng dịp và rất đẹp. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thể chắc chắn điều gì. Ông Trần Văn Tuấn (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nôi) - người đã có hơn 20 năm với nghề trồng đào cho biết, nếu thời tiết ấm dần lên sẽ đỡ vất vả hơn cho người dân, trong trường hợp rét quá thì vẫn phải tưới tắm. Nếu trời ấm lên, lá đã tuốt xong thì cứ đến ngày là hoa tự nở. "Còn gần một tháng nữa đến Tết cổ truyền, thời gian này những người trồng đào như tôi luôn lo ngay ngáy. Chuyện được mùa, thắng hay thua vẫn do ông trời định đoạt", ông Tuấn cho hay.
Làng đào Nhật Tân tất bật cho vụ Tết - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Tuấn tất bật với các công đoạn phục vụ mùa quan trọng nhất trong năm.

  Gắn bó với nghề trồng đào lâu năm và đang sở hữu vườn đào 2.000 m2, nhà ông Chu Văn Dũng - một trong những vườn đào to nhất nhì làng Nhật Tân, có khoảng 500 gốc đào các loại như: bích đào cổ, bích đào cành, đào thế… Chia sẻ về kinh nghiệm trồng đào, ông Dũng cho biết, để có được những cây đào thế đẹp, ra nhiều nụ, cánh hoa thắm và dày, người trồng đào không khác gì "bác sĩ" của cây. Vừa phải tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc như làm đất, bấm ngọn, tuốt lá… việc chăm sóc vườn đào diễn ra quanh năm, nhưng thời điểm đào bắt đầu ra mắt cho đến khi cận Tết luôn được chú trọng, quyết định đến sự thành bại của cả vụ hoa đào.
"Thời gian bắt đầu tuốt lá cần phải chăm sóc cây đào cẩn thận, ngày nào cũng phải quan sát quá trình phát triển của cây, thời tiết để có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật. Thời tiết luôn đóng vai trò quan trọng, chiếm đến 70% sự thành công của vụ đào, còn lại phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc của người trồng cây. Người trồng phải tự đúc kết kinh nghiệm, phải quan sát và nắm được thời điểm nụ hoa như thế nào thì nên cho lên chậu, như vậy thì sẽ cho hoa nở được đúng như mong muốn của khách hàng", ông Dũng nói. Hiện nay, tại các nhà vườn Nhật Tân, công đoạn tuốt lá gần như hoàn thiện. Có những cây đã bứng gốc vào chậu, được uốn nắn, cắt tỉa chờ trao tay khách hàng. Những người trồng đào Nhật Tân đang khấp khởi hy vọng một vụ mùa thành công khi đào nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán 2023 sau cả năm dày công chăm sóc, giúp phần nào gỡ gạc lại vốn sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.