Múa lân - sư - rồng là môn nghệ thuật dân gian truyền thống thường được biểu diễn trong dịp lễ hội, đặc biệt là trung thu và Tết Nguyên đán. Theo quan niệm của người xưa, lân - sư - rồng là 3 linh vật tượng trưng cho thịnh vượng, phát tài, hạnh phúc và hanh thông. Vì vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, khắp đường làng ngõ xóm dễ dàng bắt gặp các đoàn múa lân - sư - rồng làm cho mùa xuân thêm rộn ràng, tươi mới.

Với sự tỉ mỉ, khéo léo và lòng yêu nghề của một “nghệ nhân” lâu năm, ông Trần Văn Thành (ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) gắn bó với nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân dịp Tết đến xuân về.

Mùa lễ hội và hoạt động vui xuân đầu năm đang rộn ràng khắp mọi nơi. Vì thế, thời gian này, nghề làm và sửa chữa đầu lân cũng bắt đầu khởi động. Sân nhà ông Thành ngổn ngang đầu lân. Cái đã hoàn chỉnh, cái vẫn còn dở dang chưa được tô vẽ. Ông Thành cho biết, đang vào đợt cao điểm, các đoàn lân đặt hàng chuẩn bị Tết nên ông phải “tăng tốc”. Gần 55 năm gắn bó với con lân, cái trống, đối với ông, đây không chỉ là nghề, mà còn là nghiệp. Ngay từ lúc nhỏ, ông đã theo đoàn lân lớn ở TP. Châu Đốc đi biểu diễn. Sau đó, ông cùng nhiều thành viên thành lập đoàn múa lân - sư - rồng, tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, rồi đi đến tỉnh Cà Mau, Kiên Giang để giao lưu.

Các đầu lân do ông Thành làm

Sau đó, ông tự mày mò, học hỏi cách làm lân từ người đi trước để phục vụ nghề múa của đoàn, rồi chuyển hẳn sang làm đầu lân hơn 35 năm nay. Theo ông Thành, mỗi sản phẩm làm ra chứa đựng cái hồn và vẻ đẹp khác nhau. Thần thái của con lân được quyết định ngay từ khâu làm khuôn. Cách phối màu và nét vẽ sắc sảo của người thợ tài hoa làm tôn lên vẻ dũng mãnh và uy vũ của nó. Để có một đầu lân bắt mắt sống động, truyền tải được ý niệm người chơi mong muốn, người làm nghề phải chịu khó, kiên nhẫn, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, vì các khâu đều làm thủ công, từ việc tạo hình đến sơn màu, dán giấy, vẽ, trang trí... “Khó nhất là khâu bông sườn và vẽ trang trí” - ông Thành tâm sự. Ngay từ tháng 7 (âm lịch), ông đã bắt tay vào tạo sườn cho đầu lân. Thông thường, để hoàn thiện một chiếc đầu lân, phải mất từ 4-5 ngày với nhiều công đoạn, như: Bẻ sườn mây lợp trúc vô thành hình khuôn đầu lân, dán giấy và lợp vải kim sa lên khuôn để tạo hình; may thành hình; sơn vẽ hoa văn, dán họa tiết trang trí cho đầu lân thêm rực rỡ; khảm lông, trang trí mắt lân, mày mi, đường viền và cuối cùng là trang trí lông vũ. Khâu mất nhiều thời gian nhất là dán giấy để tạo hình sản phẩm. Dựa trên khuôn có sẵn, nhúng giấy vào nước và đắp một lớp lên khuôn, dán thêm lớp giấy trắng, giấy báo và lớp giấy dầu có phết hồ. Các loại giấy này phải có độ dai, không bị nát vụn, hồ dán có độ kết dính cao. Công đoạn này tương đối khó, phải làm thật nhanh tay cho bề mặt láng mịn để dễ dàng cho công đoạn vẽ trang trí.  
  Đầu lân dán xong được đem phơi nắng, đến khi keo thật khô thì tách ra khỏi khuôn, dùng kéo cắt thành hình bán nguyệt tạo vị trí cầm. Dùng thanh tre chuốt mỏng, uốn viền quanh cổ lân tạo khung sườn chắc chắn và làm tay cầm cho người múa. Đến công đoạn quan trọng không kém là sơn, vẽ để thổi “hồn” cho sản phẩm, từng nét vẽ được thực hiện tỉ mỉ nhưng dứt khoát. Phải chú ý đến cách phối màu, tạo đường nét nhằm làm nổi bật thần thái của đầu lân. “Thần thái đầu lân hiện ngay trên đôi mắt, vì vậy khâu vẽ cực kỳ quan trọng. Qua nét vẽ sẽ toát lên hình ảnh lân hung dữ, hiền lành hay mạnh mẽ. Muốn được điều này, ngoài sự khéo léo, đòi hỏi người thợ phải học được “bí quyết” riêng” - ông Thành chia sẻ. Nghề làm đầu lân mang tính thời vụ. Đơn đặt hàng chủ yếu rơi vào Tết Nguyên đán, Tết Trung thu hay các dịp cúng đình. Để phục vụ dịp Tết năm nay, ông Thành chuẩn bị khoảng 16 đầu lân. Căn cứ vào độ lớn và trọng lượng mà lân được chia thành lân tiểu, lân trung, lân đại. Giá bán 1 bộ đầu lân (gồm: Đầu lân, đuôi lân, quần múa và mặt nạ ông Địa) khoảng 2,6 triệu đồng. Ngoài ra, ông Thành còn làm thêm những dụng cụ khác, như: Cờ lễ hội, dùi trống, chập chã, các loại đuôi lân, đầu rồng, đuôi rồng, may đồng phục, vẽ rồng - phụng trên áo đội biểu diễn… Hiện nay, để giữ nghề, ông Thành nhận dạy miễn phí nghề làm lân và múa lân cho thanh niên, trẻ con trong xóm. Nhưng rất ít người theo học hoặc học xong thì không theo nghề lâu dài, vì cuộc sống mưu sinh. Ông Thành tâm sự: “Bây giờ, đoàn lân nào cũng có thể học hỏi và tự làm, sửa chữa đầu lân, nên việc làm và bán đầu lân không còn nhiều như trước đây. Dẫu nghề không mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng mà tôi lỡ mê rồi nên vẫn cứ làm tiếp đến bao giờ hết sức lực mới thôi”. Hy vọng, từng lớp lông, từng nét vẽ tâm huyết của những “nghệ nhân” làm đầu lân như ông Thành, sẽ góp phần thắp lửa, giữ hồn cho nghề truyền thống luôn mang lại niềm vui và may mắn cho đời.