Sạc dự phòng điện thoại là món đồ tiện ích, giúp kéo dài thời gian sử dụng của các thiết bị điện tử khi sắp hết pin. Tuy nhiên, nếu lựa chọn nhầm các loại sạc dự phòng kém chất lượng hoặc không xài đúng cách thì đây chính là nguyên nhân gây ra sự việc cháy nổ, thương vong lớn nếu xảy ra.

Vào chiều 26/6, trên mạng xã hội chia sẻ clip ghi lại một vụ nổ xảy ra ở một khu nhà trọ trên đường Phú Chánh 26 (phường Phú Chánh, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Theo hình ảnh của camera khu nhà trọ, khi người phụ nữ vừa đẩy chiếc xe máy vào phòng thì cửa sổ phòng trọ đối diện xảy ra tiếng nổ lớn khiến cửa sổ bật tung, một vài vật dụng bay tung tóe.

Vụ cháy, nổ do sạc dự phòng ở phòng trọ Bình Dương (Ảnh cut từ camera)
Vụ cháy, nổ do cắm sạc dự phòng ở phòng trọ Bình Dương (Ảnh cut từ camera) 

Ngay sau khi nghe tiếng nổ, một số người dân trong khu trọ chạy đến kiểm tra thì bất ngờ trong phòng lại xảy ra vụ nổ lớn thứ hai kèm lửa bốc ra, khiến người dân đứng gần đó hoảng loạn, tháo chạy. Tuy nhiên, người dân đã phá cửa vào trong phòng trọ này và dùng bình chữa cháy để dập tắt lửa.

Nguyên nhân vụ nổ bước đầu được xác định là do cục sạc dự phòng được cắm sạc nhiều giờ liền nên gây ra tình trạng chập điện dẫn đến cháy, nổ. May mắn vào thời điểm xảy ra sự việc bên trong phòng trọ không có ai nên không gây thương vong.

Với nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử ngày càng nhiều thì sự xuất hiện của những pin sạc dự phòng kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường với mẫu mã đa dạng, giá rẻ hơn so với sạc dự phòng chính hãng cũng được bày bán ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nếu ham mua những loại sạc dự phòng giá rẻ, mà bỏ qua khâu chất lượng thì tình trạng cháy, nổ có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.

Những nguyên nhân khiến sạc dự phòng cháy, nổ

Pin sạc dự phòng phát nổ thường do hiện tượng quá nhiệt khi sạc trong thời gian dài. Pin sạc hoạt động theo quá trình nạp hoặc xả pin đều phát sinh nhiệt, vì vậy nếu hoạt động trong quãng thời gian dài sẽ làm cho nhiệt độ pin sạc tăng cao. Đặc biệt đối với những pin sạc kém chất lượng sử dụng lõi pin Li-Ion có chất điện phân là dung môi hữu cơ sẽ dễ gây cháy, nổ.

Ngoài ra vật liệu hay linh kiện sản xuất pin hoặc dòng điện không ổn định cũng là một nguyên nhân có thể gây cháy nổ. Một số vấn đề thường gặp đối với pin sạc dự phòng kém chất lượng như: Mạch điều khiển “dởm” hoạt động không ổn định khiến cho lõi pin bị nóng quá mức hay các sản phẩm sử dụng pin tái chế dễ phát nổ.

Rất nhiều người thường có thói quen sạc điện thoại bằng pin sạc dự phòng và để trong cốp xe khi di chuyển, lúc này nhiệt độ trong cốp xe tăng cao, nếu để trong cốp quá lâu chúng có thể phát nổ.

Dùng pin rơi, rớt, hiện tượng dễ thấy là pin sạc sẽ nóng bất thường khi dùng để sạc điện thoại. Không để nước làm ướt cổng sạc, không sử dụng trong điều kiện ẩm ướt, không cắm sạc dự phòng trong môi trường quá kín.

Cần phòng tránh việc cháy, nổ cục sạc dự phòng như thế nào

Khi đang sạc mà pin nóng lên bất bình thường thì cần dừng việc sạc pin lại và tránh sử dụng tiếp.

Kiểm tra sạc dự phòng trước khi sử dụng, không nên sạc pin cho sạc dự phòng quá lâu vì có thể làm cho dòng điện không ổn định gây ra tình trạng đoản mạch. Vì vậy khi sạc pin cho cục sạc dự phòng, nếu đã thấy pin đầy cần rút cục sạc ra ngay.

Tránh tình trạng vừa cắm sạc pin cho cục sạc dự phòng lại lấy cục sạc dự phòng cắm sạc pin vào điện thoại, điều này sẽ đẩy nhiệt độ của sạc dự phòng lên rất cao dễ gây ra cháy nổ, vì vậy cần sạc riêng từng thiết bị một để an toàn.

Không để sạc dự phòng vào cốp xe, thường xuyên theo dõi, kiểm tra nhiệt độ của pin sạc, để đảm bảo an toàn cho bản thân và thiết bị dùng, cũng như tránh những nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.

Chọn mua sạc dự phòng tốt có chất lượng cao, có thương hiệu uy tín như các loại:  Energizer, Anker, Aukey, Adata, Samsung, Pisen, Romoss, Xiaomi, Eveready... Các nhà sản xuất tên tuổi luôn đạt các tiêu chuẩn chứng nhận: CE, RoHS, FCC,...

Nếu có dấu hiệu chập điện, bén lửa thì cần ngắt cầu dao điện và dùng bình chữa cháy hoặc dùng nước để dập lửa. Nếu ngọn lửa vẫn bùng cháy lên thì nên di chuyển đến nơi an toàn và gọi người đến giúp đỡ hoặc gọi 114 để lực lượng chữa cháy đến xử lý.