Sau 2 năm thi công, “siêu công trình” sân bay Long Thành đang đứng trước một bài toán khó cần giải quyết cấp bách, đó chính là bụi đất đỏ. Bụi bay mịt mù trong không khí, gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khoẻ của các công nhân thi công tại công trường, cũng như người dân sống xung quanh công trình này.
Trong quá trình thi công san lấp mặt bằng tại siêu dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, do quá trình nắng nóng kéo dài cùng với gió mạnh khiến một lượng bụi khổng lồ từ công trình này đã thải ra không khí. Sức ảnh hưởng của nó lan rộng đến bán kính 10km, xung quanh khu vực.
Những tác hại khôn lường
Bụi đỏ có thành phần chính là bụi đất, nó không chỉ là loại bụi xây dựng mà còn nằm trong nhóm tác nhân gây ô nhiễm không khí. Nên việc lượng bụi khổng lồ khuếch tán trong không khí, không chỉ khiến cảnh quan trở nên ô nhiễm, mất mỹ quan, khi bụi bẩn bám đầy khắp nơi, từ cây xanh cho đến nhà ở, khuôn viên trường học… Mà tác hại lớn nhất của nó chính là tác động trực tiếp và gây hệ luỵ lâu dài đến sức khoẻ con người.
TS.BS Nguyễn Hải Công Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi Bệnh viện Quân y 175 TPHCM cho biết, khi tiếp xúc trực tiếp với da, mũi bụi đỏ sẽ gây viêm da, và nhiễm trùng mô mềm mũi hoặc viêm mũi xoang, đặc biệt đối với những người có cơ địa nhạy cảm. Đối với mắt có thể gây viêm kết mạc, khô mắt, tổn thương thị giác.
Bụi đỏ còn có thể gây ra phản ứng viêm, phù nề và nhiễm trùng cho đường hô hấp cấp. Trong bụi đỏ, có chứa những thành không hoà tan được như amiang, bụi than, silic… khi đi vào cơ thể chúng sẽ xâm nhập vào đường thở, lắng đọng và gây ra tình trạng viêm cấp tính. Tình trạng này về lâu dài có thể dẫn đến viêm mãn tính, xơ hoá đường thở.
Phó giáo sư, bác sĩ Trần Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, cũng có cùng quan điểm như sau : “Bản chất bụi đỏ là bụi đất. Khi hít vào trong phổi, hệ thống thanh lọc của phế quản sẽ đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc ngày này qua ngày khác, bụi không đào thải hết sẽ đọng lại gây viêm, lâu dài có thể dẫn đến xơ hóa phổi. Người bệnh cũng có thể bị tổn thương niêm mạc đường hô hấp, dễ nhiễm trùng phổi.”
Ông còn cho biết thêm: “đối với trẻ em và người già, do hệ miễn dịch và sức đề kháng suy yếu, chưa hoàn thiện, nên khi hít bụi đỏ sẽ gây nhiều ảnh hưởng hơn đối với người trẻ tuổi. Nếu hạt bụi có kích thước từ 3-5 micromet chúng có thể bay xa, còn hạt bụi lớn hơn có thể rơi tại chổ, nhưng gió có thể khiến búng bay xa hơn”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng – giảng viên Trung tâm Giáo dục y học, Trường đại học Y dược TPHCM còn khẳng định bụi luôn ảnh hưởng đến sức khoẻ, và nó tuỳ thuộc vào kích thước cũng như lượng bụi mà cơ thể hít phải mỗi ngày. “Trẻ em hoạt động nhiều hơn, cần ở ngoài trời nhiều hơn, thở nhanh hơn, tốc độ chuyển hoá cao hơn người lớn, trong khi đó hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên dễ nhiễm trùng đường hô hấp. Những người mắc bệnh nền như hen suyễn, lao phổi, ho mãn tính khi hít phải nhiều bụi đỏ có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm”, ông nói.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, trẻ nhỏ sống trong môi trường ô nhiễm không khí nặng rất khó phát triển chiều cao toàn diện, và có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn từ 19-25% so với điều kiện bình thường.
Vì sao tình trạng “bụi đỏ” tại công trình sân bay Long Thành lại trầm trọng đến vậy?
TS.Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết: “Với bất kỳ công trình xây dựng nào, chủ dự án cũng phải lường trước các vấn đề và đặt ra những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó có xử lý bụi và bụi mịn PM2.5. Điều này được thể hiện trong báo cáo đánh giá tác động môi trường mà nhà đầu tư nộp cho cơ quan chức năng”.
Trường hợp sân bay Long Thành, chắc chắn cũng không ngoại lệ. Do đó trong đánh giá tác động môi trường phải đề ra những giải pháp, trong đó có tưới nước và những biện pháp khác để ngăn bụi, bụi mịn PM2.5 . Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và báo chí gần đây, tình trạng bụi mịt mù đang ngày cành nghiêm trọng. Điều này đồng nghĩa với việc, các biện pháp bảo vệ môi trường không được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc.
Trả lời cho nhận định trên, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cũng như ban quản lý dự án sân bay Long Thành đã nêu lên nguyên nhân khiến bụi phát tán là do diện tích sang lấp mặt bằng rất lớn, các đơn vị thi công dù đã tưới nước liên tục nhưng không thể bao phủ hết diện tích mặt bằng công trình. Vì vậy, giải pháp này gần như không hiệu quả.
Phản bác lại cách lý giải trên, ông Tùng cho rằng: “Các tình huống đều đã được tính toán trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ví dụ đơn vị thi công sẽ xúc bao nhiêu khối đất, vận chuyển, số lượng bao nhiêu xe, tốc độ gió, nhiệt độ môi trường như thế nào… làm căn cứ tính ra số lượng bụi phát sinh. Từ đó nhà đầu tư phải đưa ra các phương án dùng các xe téc tưới nước như thế nào để giảm bụi".
Theo ông Tùng, tình trạng bụi đỏ ở công trường “siêu dự án” đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sức khoẻ cũng như chất lượng không khí môi trường xung quanh. "Các nhà quản lý hoàn toàn có thể thanh tra, kiểm tra, xử phạt, thậm chí đình chỉ thi công và yêu cầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường", ông Tùng nhấn mạnh.
Biện pháp hạn chế tác hại của bụi đỏ
Người dân sống trong khu vực chịu ảnh hưởng, có thể áp dụng những biện pháp sau để hạn chế tác hại của bụi đỏ:
- Đeo kính mát, khẩu trang thường xuyên, hạn chế sự xâm nhập của bụi đỏ vào đường hô hấp.
- Sử dụng quạt hút bụi, màn che, đóng cửa thường xuyên.
- Trồng nhiều cây xanh.
- Tưới nước thường xuyên xung quanh khu vực sinh sống