Những ngày gần đây, vụ ô tô tông 17 xe máy ở Hà Nội đang được rất nhiều người quan tâm. Mặc dù người điều khiển ô tô không sử dụng rượu bia và âm tính với ma túy, song trách nhiệm pháp lý mà người tài xế có thể phải chịu ra sao?

Ngày 6-4, cơ quan điều tra Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về tham gia phương tiện giao thông” và tạm giữ hình sự tài xế gây tai nạn. Được biết, ô tô mang biển kiểm soát 29A-083.XX đã tông liên hoàn 17 xe máy khiến 18 người bị thương tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa ghi nhận có trường hợp tử vong.l

Tại trụ sở công an, bước đầu tài xế khai nhận, chiều 5-4, người này lái ô tô đưa vợ trở về sau khi khám bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Đến đoạn ngã tư Võ Chí Công, xe bị kẹt chân ga dẫn đến vụ tai nạn liên hoàn. Tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh cho biết, thời điểm xảy ra sự việc bản thân ông đã cố gắng xử lý để giảm hậu quả xuống thấp nhất.

Vụ ô tô tông 17 xe máy ở Hà Nội: Tài xế có thể phải đối diện với mức án nào? ảnh 1
Vụ tai nạn liên hoàn tại Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG

Vấn đề pháp lý được nêu ra ở đây là: Trong trường hợp này, tài xế sẽ chịu trách nhiệm pháp lý ra sao?

Trao đổi với Pháp Luật online, Luật sư Võ Đan Mạch - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Hiện nay, một số nạn nhân đang được cấp cứu, điều trị và chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về hành vi của tài xế (có do vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay không) về hậu quả do hành vi của tài xế gây ra (bao gồm thiệt hại về tài sản, tính mạng hay sức khỏe của các nạn nhân). Cho nên, căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, trường hợp tài xế vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và gây ra hậu quả tương ứng như sau thì có thể xác định một số khung, mức hình phạt mà tài xế có thể phải chịu”.

Cụ thể,  tội danh mà tài xế vi phạm là tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với 4 trường hợp dưới đây:

Trường hợp 1: Bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm khi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

Trường hợp 2: Bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, khi thuộc 1 trong các trường hợp gồm: Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Trường hợp 3: Bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, khi thuộc 1 trong các trường hợp sau: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Trường hợp 4: Bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, khi thuộc 1 trong các trường hợp gồm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.