Đi cùng với sự phát triển của thế hệ điện thoại thông minh, trong thời đại công nghệ số hiện nay những chiếc sim nhỏ bé và số điện thoại, không đơn giản chỉ có chức năng “bắt sóng” cho điện thoại di động như trước đây.

Sim điện thoại là gì?

SIM điện thoại là một mạch tích hợp IC có khả năng lưu trữ an toàn thông tin người đăng ký thuê bao, bao gồm: số thuê bao (số điện thoại), và những thông tin liên quan để xác định và chứng thực người chủ thuê bao trên thiết bị di động. chúng ta có thể dễ dàng thay thế thiết bị di động mà không cần sự hỗ trợ của nhà cung cấp dịch vụ, chính là nhờ những thông tin đã được tích hợp sẵn trên thẻ sim.

Ngoài chức năng chính là đăng ký và nhận dạng thuê bao di động, sim còn chứa những dữ liệu khác của thuê bao như: mã pin PIN, PIN2, PUK, PUK2, số của trung tâm dịch vụ nhắn tin SMS, danh bạ điện thoại… Các loại SIM đời cũ lưu được 125 số điện thoại, SIM thông thường cho phép lưu đến 250 số điện thoại, Super SIM có thể lưu 750 số điện thoại.

Tầm quan trọng của sim và số điện thoại

Nếu như khoảng 10 năm trước đây, bạn đăng ký sử dụng thuê bao di động chỉ với một mục đích duy nhất là thông tin liên lạc.  Việc đăng ký sử dụng, hay bỏ đi 1 số thuê bao di động không phải là vấn đề. Thì hiện nay, cùng với sự phát triến “chóng mặt” của các thiết bị smartphone cũng làm gia tăng thêm tầm quan trọng của những chiếc sim điện thoại nhỏ bé này. Trước khi thay đổi hay bỏ đi 1 số thuê bao quen thuộc, thì người dùng cần phải đắn đo cân nhắc rất nhiều. Bởi số thuê báo ấy gắn liền với hầu hết mọi tài khoản cá nhân của từng người.

Điện thoại thông minh từ lâu đã trở thành "chiếc ví điện tử" của nhiều người. 

Thời gian gần đây nhiều hình thức lừa đảo, của các tổ chức có đường dây và quy mô lớn, đã nhắm đến và tìm mọi cách để lấy được quyền quản lý số thuê bao di động. Nhóm tội phạm sẽ tìm cách thu thập thông tin cá nhân bao gồm: họ tên, CCCD, số điện thoại… thông qua nhiều phương thức khác nhau, sau đó liên lạc với nhà mạng để báo mất và yêu cầu cấp lại sim mới. Ngoài ra, kẻ gian còn có thể mạo danh nhân viên nhà mạng, nhân viện ngân hàng… để yêu cầu khách hàng làm theo các bước, và tiến hành chuyển hướng cuộc gọi đến số điện thoại của kẻ gian.

Sau khi có được quyền sử dụng thuê bao, thì mọi chuyện không chỉ dừng lại ở việc nhắn tin, điện thoại mượn tiền… Chỉ cần làm chủ chiếc sim điện thoại nhỏ bé ấy, kẻ gian đã có thể chiếm đoạt hầu hết mọi tài khoản trên điện thoại thông minh của người dùng, bằng cách khai báo quên mật khẩu. từ đó đánh cắp toàn bộ số tiền trong tài khoản cá nhân, tài khoản tiết kiệm online, thẻ tín dụng.

Không chỉ vậy, hiện nay người tiêu dùng còn có thói quen sử dụng ví điện tử như: Momo, Zalopay.. trong giao dịch, mua bán hằng ngày. Những chiếc ví điện tử này đều được đăng ký bằng số điện thoại cá nhân và liên kết với tài khoản ngân hàng để giao dịch. Người dùng có thể chuyển tiền đơn giản và nhanh chóng, chỉ bằng cách nhập số điện thoại người nhận. Sự tiện lợi ấy, cũng là cách để kẻ xấu dễ dàng lấy đi số tiền trong ví và thẻ của bạn hơn.

Chính vì lý do đó, mà nhà cung cấp mạng, ngân hàng và các cơ quan quản lý liên tục đưa ra nhiều phương án, giải pháp để ngăn chặn hành vi lừa đảo, chiếm đoạt thông tin của người dùng. Bên cạnh nỗ lực từ phía các nhà cung cấp, thì chính bạn cũng phải trở thành “người dùng thông minh”, để bảo vệ quyền lợi và tài sản cá nhân của mình.

4 Cách bảo vệ SIM hiệu quả

Mỗi cá nhân đều cần bảo vệ tốt nhất cho chiếc sim điện thoại của mình. 
  1. Bảo mật thông tin cá nhân: hạn chế tối đa việc chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội, không bấm vào những đường link liên kết được gửi từ những tài khoản lạ đính kèm trong tin nhắn, email.. không làm theo hướng dẫn của những người gọi đến tự xưng là nhân viên hỗ trợ nhà mạng, tư vấn khách hàng…. Thay vào đó, hãy cúp máy và liên hệ trực tiếp với số tổng đài của nhà mạng mình đăng ký để nhận hỗ trợ.  
  2. Cài đặt ứng dụng tự tạo mã xác thực 2 lớp: những ứng dụng này được cung cấp miễn phí trên google Play, hoặc App Store, như: Google Authenticator, Authy, Microsoft Authenticator… và nhớ cần kích hoạt tính năng bảo vệ 2 lớp trên những tài khoản quan trọng trước khi đài đặt ứng dụng.
  3. Sử dụng khoá bảo mật: đây là một thiết bị nhỏ gọn chỉ bằng một chiếc USB, chúng có thể hoạt động được với cả máy tính và điện thoại.
  4. Xử lý nhanh tình huống: nếu không may bị đánh cắp hoặc nghi ngờ bị đánh cắp, thì cần nhanh chóng liên hệ nhà mạng để thông báo và nhờ hỗ trợ. Đồng thời, báo khoá toàn bộ tài khoản ngân hàng có liên quan, đăng xuất khỏi mọi tài khoản quan trọng. Trong tình huống ấy, thời gian đúng nghĩa “là vàng là bạc”.

Hiện tại, toàn bộ nhà mạng đang tiến hành ra soát thông tin, chuẩn hoá thuê bao khách hàng, để bảo vệ quyền lợi và bảo mật thông tin của khách hàng được tốt hơn. Theo quy định, thì ngày 15/4/2023 sẽ là hạn cuối để thuê bao chuẩn hoá, nếu không sẽ bị khoá hai chiều. Ngày 15/5/2023 là hạn cuối để chuẩn hoá trước khi bị thu hồi số thuê bao. Người dùng cần nắm rõ thông tin để chuẩn hoá thông tin cho thuê bao của mình.