Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thị trường kinh doanh bất động sản tại TP.HCM tăng trưởng âm khiến nhiều doanh nghiệp trên đà điêu đứng.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 hoạt động thị trường bất động sản tăng trưởng âm (giảm 11,58%) so với cùng kỳ trong khi quý I cũng giảm 16,2%. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh này giảm 8,3% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp thành lập kinh doanh bất động sản giảm 52,6%, còn 689 công ty. Vốn đăng ký cũng giảm gần 64%, còn 26.750 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Toàn thành phố chỉ có 8 dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai với 6.313 căn, giảm 33,3% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Trong năm 2023, 6 tháng đầu thành phố chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, nhưng có đến 62 dự án không đáp ứng đủ điều kiện làm chủ đầu tư do vướng mắc pháp lý theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Đầu tư.

Có 55 dự án trong số đó đang xem xét giải quyết thủ tục, khiến thiếu hụt nguồn cung nhà ở, đặc biệt là thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá vừa túi tiền.

Trước tình hình đó nhiều công ty kinh doanh thị trường bất động sản điêu đứng, chật vật vì tăng trưởng âm.

Chủ tịch một công ty bất động sản, trụ sở tại quận Bình Thạnh và đang có dự án tại TP Thủ Đức cho biết, vì bất động sản tăng trưởng âm từ quý II năm 2022 đến quý III 2023 nên trong 12 tháng qua doanh thu không có, nợ vẫn tăng hàng ngày. Ông tiết lộ phải bán giảm giá 50%, thậm chí cầm cố tài sản cá nhân để giúp công ty trả nợ.

Báo cáo của Savills Việt Nam chỉ ra, trong quý II năm 2023 mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM có lượng tiêu thụ giảm 7.000m2, thấp nhất kể từ quý IV năm 2022. Trước bối cảnh nhiều khách thuê trả mặt bằng, các chủ dự án đã chuyển đổi công năng từ trung tâm thương mại thành tòa nhà văn phòng cho thuê.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, sức mua giảm dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị thiếu dòng tiền, bị sụt giảm thanh khoản thậm chí bị mất thanh khoản.

Đa số các doanh nghiệp địa ốc cũng đang bị tắc các nguồn vốn khác như nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp hoặc nguồn vốn huy động từ khách hàng. Nếu việc nới lỏng cho phép được tiếp cận nguồn vốn tín dụng thì đây sẽ là chiếc phao cứu sinh với các doanh nghiệp bất động sản.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Group, nhận định nửa năm qua thị trường vẫn chưa thoát khỏi mạch giảm, thanh khoản yếu cho nên đầu quý III chưa đủ kỳ vọng vào cơ hội hồi phục.

Để thị trường bất động sản được hồi phục mạnh, ông Thắng đưa ra 3 cơ sở. Thứ nhất, kinh tế vĩ mô phải tăng trưởng tốt trở lại. Thứ hai, vấn đề pháp lý dự án phải được giải quyết triệt để các vướng mắc hiện nay để đẩy mạnh nguồn cung nhất, đặc biệt phân khúc nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, phải giải quyết dứt điểm pháp lý của một số doanh nghiệp bất động sản top đầu ổn thỏa.

Thứ 3 là vấn đề nguồn vốn, như nguồn vốn từ ngân hàng lãi suất cho vay giảm hơn nữa dưới 9% một năm với điều kiện cho vay được nới lỏng so với hiện nay. Trái phiếu doanh nghiệp cũng là vấn đề quan trọng cần giải quyết triệt để. Hiện nay trái phiếu doanh nghiệp bất động sản còn khá lớn, Thông tư 08 ban hành vừa qua, theo ông, chỉ giúp doanh nghiệp có thời gian tái cấu trúc. Sau 2 năm gia hạn với trái chủ, vấn đề nguồn để trả nợ vẫn là ẩn số.

Chuyên gia này nhận định, cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ là mốc gần nhất để kiểm tra lại vùng kháng cự của lực cầu trên thị trường bất động sản khi lãi suất tiết kiệm hạ và lãi suất cho vay điều chỉnh, cửa tín dụng nới dần.

Tổng hợp