Vào tháng 8/2009, một gia đình ở California gọi 911 thông báo chiếc Lexus họ lái đột ngột tăng ga mất kiểm soát. Cuộc gọi trở nên viral dẫn đến một cuộc điều tra hơn 2000 vụ tai nạn tương tự liên quan đến xe của Toyota.

Hàng ngàn đơn khiếu nại được gửi đến hãng nhưng đều không được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là vì quá trình ra quyết định ở các doanh nghiệp Nhật thường lâu hơn và hướng tới sự đồng thuận của các bên trước khi hành động. Trong khi ở Mỹ, không nhanh nhạy với thời gian bị coi là biểu hiện của sự thiếu quyết đoán.

Hệ quả là Toyota phải thu hồi hơn 7 triệu xe trên toàn cầu, và đích thân chủ tịch Akio Toyoda phải ra điều trần trước Hạ viện Mỹ. Việc Toyota phản ứng chậm với sự cố khiến hình ảnh của hãng trở nên thiếu minh bạch trong mắt công chúng Mỹ.

Ví dụ trên là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của trí thông minh văn hóa trong hợp tác toàn cầu. Nếu ban lãnh đạo Toyota Nhật nắm được khác biệt văn hóa giữa 2 nước, có thể họ đã đưa ra hướng giải quyết khác giúp công ty tránh khỏi khủng hoảng. Vậy chúng ta cần làm gì để phát triển trí thông minh văn hóa?