[caption id="attachment_2208" align="alignnone" width="1000"] Nga tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc sau khi mất một số đối tác truyền thống ở châu Âu.[/caption] Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lượng dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG - Liquefied Natural Gas) được nhập khẩu từ Nga đều tăng mạnh kể từ đầu năm. So với cùng kỳ năm 2021, kể từ tháng 01/2022 đến tháng 10/2022, các chuyến hàng dầu thô và LNG của Nga đến Trung Quốc tăng lên đáng kể. Báo cáo cụ thể của Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 21.11 cho biết, lượng khí tự nhiên hóa lòng (LNG) nhập từ Nga sang nước này đã tăng 4,98 triệu tấn, tức 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính theo đồng USD, thì mức tăng là 157% và vượt trên 5,3 tỷ USD. Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga sang Trung Quốc đã tăng lên đáng kể từ khi chiến tranh giữa Nga và Ukraina nổ ra hồi cuối tháng 2 năm nay. Hiện tại, Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ tư của Trung Quốc, sau Australia, Qatar và Malaysia. Về lượng khí đốt Trung Quốc nhập khẩu qua đường ống dẫn, mặc dù cơ qua Hải quan không liệt kê cụ thể, nhưng dữ liệu của cơ quan này cho thấy trị giá nhập khẩu khí đốt từ Nga qua đường ống trong 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng lên 182% so với cùng kỳ 2021 (3,1 tỷ USD). Điều này khiến Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống lớn thứ 2, chỉ sau Turkmenistan (8,23 tỷ USD). Trung Quốc cũng tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga trong giai đoạn này, khoảng 9,5% lên 71,97 triệu tấn. Số tiền nhập khẩu dầu tính theo USD tăng 53% lên 49,19 tỷ USD. Theo dữ liệu được công bố, trong cả tháng 9 và tháng 10, Nga là nhà cung cấp dầu lớn thứ 2 của  Trung Quốc, xếp sau Saudi Arabia (nước này đã bán cho Trung Quốc 73,76 triệu tấn nhiên liệu với giá 55,5 tỷ USD kể từ tháng 1 đến tháng 10/2022). Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga, sau khi tận dụng các khoản giảm giá của Moscow đưa ra hồi đầu năm trong nỗ lực nhằm giữ chân khách hàng mua dầu và khí đốt của Nga. Điều này xảy ra khi có rất nhiều nước nhập khẩu truyền thống bắt đầu rời bỏ nguồn cung từ Nga trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phương Tây đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraina.

Thủy  Tiên