Các chuyên gia lưu ý, ở thời điểm này, khi tham gia xét tuyển sớm các ngành khoa học sức khỏe, thí sinh cần lưu ý về điều kiện xét tuyển và các trường có những yêu cầu, quy định riêng trong mùa tuyển sinh 2023 khối ngành sức khỏe.

Đó là những nội dung về tuyển sinh 2023 mà các chuyên gia lưu ý chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành khoa học sức khoẻ do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 7.2. Phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, lưu ý những điểm then chốt trong việc xét tuyển khối ngành khoa học sức khỏe. "Trong quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đều yêu cầu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành khoa học sức khỏe. Nếu thí sinh không đạt điểm này thì không đủ điều kiện xét tuyển", thầy Hải cho biết. Theo thầy Hải, đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT thì ngưỡng đảm bảo do hội đồng điểm sàn của Bộ GD-ĐT công bố sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đối với phương thức dựa vào học bạ có 2 mức điểm sàn. Một là, y đa khoa, răng hàm mặt, dược, yêu cầu thí sinh phải có điểm xét tốt nghiệp từ 8,0 trở lên và xếp loại tốt nghiệp giỏi, ngoài ra điểm mỗi môn xét tuyển tối thiểu phải 8,0. Hai là, các ngành điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm... chuẩn thấp hơn, chẳng hạn điểm xét tốt nghiệp loại khá, điểm mỗi môn xét tuyển tối thiểu 6.5... Đối với các kỳ thi riêng, điểm xét tốt nghiệp cũng phải đạt loại khá và điểm xét tuyển tối thiểu 6.5. Tiến sĩ Hải lưu ý tỷ lệ chọi khối ngành sức khỏe rất cao do chỉ tiêu ít mà số lượng thí sinh xét tuyển rất đông. Chưa kể điểm xét tuyển của thí sinh cao dẫn đến điểm chuẩn rất cao, có khi 28-29 điểm cũng trượt nguyện vọng đầu. "Lý do có thể là do thí sinh chủ quan trong kết quả của mình, chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. Vì thế, các em nên xem số lượng chỉ tiêu trong từng phương thức xét tuyển của các trường, đặc biệt thời hạn xét tuyển của từng phương thức. Chẳng hạn, xét học bạ kết thúc trước khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các em không nên bỏ lỡ cơ hội, nhất là phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ", ông Hải lưu ý. Nên tham khảo mức học phí của khối ngành sức khỏe Tiến sĩ Hải cũng cho rằng thí sinh khi xét tuyển cũng nên tham khảo mức học phí của khối ngành sức khỏe vì mức học phí các ngành như y đa khoa, răng hàm mặt thường cao hơn so với các ngành khác. Được biết, Trường ĐH Duy Tân cũng tuyển sinh các ngành thuộc khối sức khỏe như y đa khoa, răng hàm mặt, dược, kỹ thuật y sinh, điều dưỡng... với chỉ tiêu là 900. Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên-chuyên gia tâm lý Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin: "Trường có 51 ngành, riêng khối ngành sức khỏe năm nay có các ngành mới là quản lý bệnh viện và kỹ thuật phục hồi chức năng. Ngay từ bây giờ thí sinh nào có điểm học kỳ 1 lớp 12 là đã có thể nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào khối ngành sức khỏe cũng như các ngành khác, với thời gian nhận hồ sơ từ 1.2". Theo thạc sĩ Trị, thí sinh phải nắm được các yếu tố quan trọng mà khối ngành này cần, đó là sự kiên trì vì thời gian học rất dài, chi phí đào tạo tốn kém, cần có học lực giỏi, nếu sợ máu thì không thể học ngành bác sĩ đã khoa, ngành học này cũng rất cần có tâm đức... Trong khi đó, tại bậc CĐ, thạc sĩ Huỳnh Trọng Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường CĐ Đại Việt, cho hay năm nay trường có 10 ngành khối sức khỏe, trong đó có 2 ngành mới dự kiến tuyển sinh là y sĩ đa khoa và kỹ thuật phục hình răng. "Thí sinh cần tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo những ngành sức khỏe, gồm những môn gì, kiến thức gì, có đặc thù nào để xem bản thân có phù hợp hay không để có sự lựa chọn đúng đắn. Các em có học lực xếp loại khá trở lên sẽ có thể xét tuyển vào những ngành học này của trường", thạc sĩ Hiếu chia sẻ.