Theo truyền thống văn hóa Việt Nam hằng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch sẽ diễn ra ngày Tết Hàn thực, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị bánh trôi hoặc bánh chay để cúng Phật cũng như cúng gia tiên nhằm tưởng nhớ những người đã khuất có công ơn, nuôi dưỡng.

Tết Hàn thực là gì?

Nếu giải nghĩa từ “Hàn thực” thì “Hàn” có nghĩa là “lạnh”, “thực” nghĩa là “ăn”. Tết Hàn thực có nghĩa là tết ăn những đồ lạnh, có nhiệt độ thấp, được chuẩn bị từ trước để có thể ăn ngay.

Cứ vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm mỗi gia đình Việt Nam đều chuẩn bị bánh trôi nước, bánh chay để dâng lên bàn thờ, tưởng nhớ ân đức tổ tiên của mình.

Nguồn gốc của tết Hàn thực

Tết Hàn thực bắt nguồn từ truyền thuyết của Trung Quốc, câu chuyện nói về vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua nước Tần là Tấn Văn Công vì gặp loạn mà phải bỏ nước lưu vong. Lúc bấy giờ có Giới Tử Thôi - một hiền sĩ theo phò vua và đã giúp nhà vua nhiều mưu kế. Trong một lần lánh nạn, vì đói quá mà lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi đã lén cắt một miếng thịt đùi của mình, nấu lên dâng vua. Sau đó, nhà vua hỏi ra, biết được sự thật nên vô cùng cảm kích tấm lòng của Giới Tử Thôi.

Suốt mười chín năm, Giới Tử Thôi vẫn luôn theo phò nhà vua cùng nhau trải qua khó khăn, gian khổ, nỗ lực thành tài. Sau khi vua Tấn Văn Công giành lại được ngai vàng đã thưởng hậu hĩnh cho những người lưu vong nhưng lại quên mất người cận kề nhất là Giới Tử Thôi.

Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nên đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Về sau, khi vua Tấn Văn Công nhớ ra, cho người đi tìm Giới Tử Thôi nhưng ông nhất định không quay về lĩnh thưởng. Vua Tấn Văn Công vì muốn thúc ép Tử Thôi quay về nhưng không được nên ra lệnh đốt rừng. Tuy nhiên, hai mẹ con Giới Tử Thôi vẫn quyết tâm không quay về và chịu chết cháy.

Sau đó, nhà vua hối hận về quyết định của mình và cho lập miếu thờ, hạ lệnh kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm.

Ý nghĩa của Tết Hàn thực tại Việt Nam

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng cho biết ngày tết này ở Việt Nam, mặc dù bắt nguồn phong tục của người Trung Quốc tuy nhiên đã được Việt hóa nên được lưu truyền cho đến ngày nay.

Hướng về cội nguồn

Tết Hàn thực của người Việt có ý nghĩa chủ yếu là nhắc nhở về nguồn gốc và tôn vinh công lao của những người đã khuất. Vì vậy ở Việt Nam không cần kiêng lửa, mọi nấu nướng vẫn diễn ra bình thường, là ngày nấu bánh trôi nước, bánh chay dâng lên tổ tiên, để hướng tới cội nguồn, nhớ đến công lao những người đã khuất.

Việc làm này thể hiện sự tôn vinh truyền thống và cội nguồn dân tộc, gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì vậy, Tết Hàn thực của người Việt mang nét đặc trưng riêng biệt và tiếp tục tồn tại trong suốt quá trình phát triển và giữ gìn văn hóa dân tộc.

Thể hiện truyền thống dân tộc

Từ trong văn thơ đến ngoài đời, bánh trôi và bánh chay đã trở thành những loại bánh truyền thống phổ biến của người Việt. Như bài thơ của Hồ Xuân Hương đã ẩn dụ bằng hình ảnh bánh trôi nước cho nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: trong trắng, hy sinh, lam lũ, sự tảo tần...

Hay hình ảnh của hai loại bánh này khiến nhiều ngưỡi nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của Đức Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.

Ngoài ra hai loại bánh này thể hiện rõ nét văn hóa lúa nước từ xa xưa của dân tộc Việt Nam, khi cả hai loại bánh đều được làm từ bột gạo nếp, khi chín trở nên mềm dẻo, thơm ngon. Điều này thể hiện sự trân trọng và tôn vinh thành quả lao động của người nông dân và nâng cao niềm tự hào lúa nước của Việt Nam.

Nhiều người cho rằng đây cũng là dịp con cháu xum vầy, ngồi ôn lại những chuyện xưa, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống và tận hưởng những giây phút bên gia đình. Đặc biệt, trong dịp này người đi xa quê sẽ đoàn tụ cùng gia đình, cùng đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên bữa cơm gia đình.

Mong muốn thời tiết thuận hoà

Ngày 3 tháng 3 hàng năm được lựa chọn hoàn toàn không liên quan đến lịch dương hay bất kỳ một quy ước đạo giáo nào. Mà được chọn theo lịch âm, theo âm dương ngũ hành, đánh dấu sự kết thúc của Mộc Khí.

Món lạnh theo như ngũ hành sẽ thuộc mệnh Kim, bánh trôi có màu trắng cũng thuộc mệnh Kim. Bên cạnh đó thì hình dáng của bánh tròn đều, bên trong phần nhân hình vuông, gợi đến câu “Mẹ tròn con vuông”. Bánh Chay có vỏ trắng tính dương,, nhân đậu xanh bên trong vàng tươi mang tính âm, âm dương hòa hợp. Dù là bánh trôi hay bánh chay thì đều thể hiện mong muốn mùa hè không bị khô hạn, thời tiết mát mẻ thuận hoà.

Trong mâm cỗ cúng Tết Hàn thực thường có những lưu ý gì?

Trong ngày này ngoài bánh trôi và bánh chay thì nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm mâm ngũ quả, hương, hoa, trầu cau, nước lọc để cúng cho Tết Hàn thực.

Theo quan niệm người xưa cho rằng, số lẻ là số mang lại may mắn nên trên mâm cúng số lượng bát bánh trôi và bánh chay thường là 3 hoặc 5 và trong đĩa cũng cần đặt các viên lẻ như 5,7,9…tùy theo từng gia đình.

Khi mua trái cây cần chọn 5 loại quả có đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,... đại diện cho ngũ hành để dâng cúng tổ tiên thể hiện tấm lòng của mình, đồng thời mong ước những điều tốt lành trong ngày Tết Hàn thực.

Đối với việc chọn hoa cần mua hoa thật tươi, thông thường nên chọn hoa cúc, bởi loại hoa này thể hiện được sự trang nghiêm và mang ý nghĩa cầu mong tài lộc, may mắn. Tùy thuộc vào điều kiện gia đình, gia chủ có thể chọn thêm các loại hoa khác như hoa huệ trắng, hoa đồng tiền,...

Trầu cau thì gia đình nên chọn quả xanh, tươi để thể hiện thành kính với tổ tiên. Bên cạnh đó mâm cúng cũng cần có ly nước sạch hoặc nước lọc. Theo quan niệm dân gian, ly nước sạch đại diện cho sự tinh khiết, cho chân tâm thành kính của gia chủ. Kể cả không phải ngày lễ thì ly nước sạch trên bàn thờ vẫn nên được thay thường xuyên.