Trong một lần đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, hoạ sĩ Hà Mạnh Thắng bắt gặp chiếc văn bia đá cổ có niên đại từ thời nhà Tuỳ (581 – 618). Bia đá, thông thường đóng vai trò đặc biệt trong việc ghi chép sử, thường được do các danh sĩ có chữ viết đẹp khắc lên.
Bia đá gánh theo sức nặng lịch sử văn hoá - những tính chất mà theo hoạ sĩ, giúp nó “sống sót, trường tồn theo thời gian với số phận của mình”. Triển lãm “Kìa non non, nước nước, mây mây” mượn ý thơ trong bài “Hương Sơn phong cảnh ca” của Chu Mạnh Trinh — một danh sĩ thời nhà Nguyễn, miêu tả các sắc thái tuyệt mĩ của thiên nhiên. Hà Mạnh Thắng đã sử dụng phom dáng của chiếc văn bia cổ như một phản ánh về sự trường tồn và yếu tố phi thời gian cho các tác phẩm lần này.
Cảm xúc này cũng được thể hiện xuyên suốt qua quan sát nghệ thuật của Hà Mạnh Thắng khi anh khai thác tính đa nghĩa, sự biến đổi lịch sử cách nhìn về hình thức tranh phong cảnh trong nghệ thuật cổ cho tới hiện tại.
|
Tác phẩm "Rừng xanh xa thẳm".
|
Thay vì đá, “bia” của Hà Mạnh Thắng giờ đây được làm từ sự kết hợp giữa lụa, vải toan và sự phức hợp trong các vật liệu khác nhau để anh tạo nên tác phẩm. Tác giả nhìn chúng không chỉ là những chất liệu, mà dưới dạng những bề mặt thiên biến vạn hoá, tuỳ theo cách kết hợp các chất liệu được phủ lên trên.
Nhờ đặc tính xuyên thấu của lụa, bề mặt sẽ thay đổi dựa trên sự chuyển động của ánh sáng trên bề mặt khi quan sát góc nhìn từ mặt sau. Mỗi tấm khung mica được xử lý mờ đi trên cả hai bề mặt, làm dịu đi nhiều sự hiện diện của lụa và đặc tính trong xuyên sáng.
Những câu thơ mà Hà Mạnh Thắng chọn của Đỗ Phủ (Nguyễn Công Trứ dịch), Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm dịch), Vương Xương Linh (Nam Trân dịch), Âu Dương Tu (Tản Đà dịch), Lưu Trường Khanh (Tương Như dịch), Lưu Phương Bình (Trích Diễm dịch), Bạch Cư Dị (Khương Hữu Dụng dịch), Lý Bạch (Nguyễn Bích Ngô dịch)… đều mang đậm tinh thần của “điền viên phái”, dù nhiều nhà thơ và dịch giả trong số này không tuyên bố mình thuộc phái điền viên.
|
Những bức tranh thơ trong hình dáng bia đá.
|
Ngay cả các câu thơ của Chu Mạnh Trinh, Tản Đà… cũng thể hiện rõ tinh thần điền viên này.
Chia sẻ ý niệm điền viên, 16 tác phẩm của Hà Mạnh Thắng đi qua 4 mùa, trong đó mùa thu hiện diện ở gần một nửa số tác phẩm.
Cuối năm 2021, Hà Mạnh Thắng có triển lãm “Đối cảnh” - các câu đối/ bài thơ xưa được sưu tầm và trưng bày cùng những bức tranh mới vẽ, còn là một đối cảnh của cảm xúc, một “đối chứng” của cảm hứng.
Chứng kiến hao mòn, phôi pha của thời gian diễn ra ngay trên các bề mặt, họa tiết và cổ vật, Hà Mạnh Thắng thừa nhận sau chính các tìm tòi, khám phá về hình ảnh, màu sắc và đa tầng ý nghĩa của từng tác phẩm đã đưa anh tới phong cách vẽ trừu tượng.
Từng theo đuổi bút pháp hiện thực, rồi hiện thực hoài nghi, đến biểu hiện, trừu tượng, rồi trừu tượng - biểu hiện… trong mỗi ngôn ngữ, Hà Mạnh Thắng bắc nhịp cầu với quá khứ, để truy vấn, mỉa mai, phản tư hiện tại hoặc ngược lại.
Đam mê khám phá vốn di sản và văn hóa truyền thống, Hà Mạnh Thắng còn đi sâu vào lĩnh vực cổ vật. Bởi vậy, anh có thêm những chiêm nghiệm về các sắc độ văn hóa để chuyển tải trong “Đối cảnh”.
|
Mặt sau bức tranh hiện những dòng thơ.
|
Công chúng thấy lạ lẫm, khi hội họa hiện đại được phối kết với truyền thống, từ hoành phi câu đối, trướng ngăn tới các bức chạm khắc, phù điêu. Hiện đại là những bức tranh mới vẽ, còn thơm mùi dầu được treo cạnh những báu vật thời gian để tạo ra những sự nghịch lý.
Triết lý âm - dương và thế giới tâm linh, siêu nhiên gắn chặt đời sống hàng ngày của mỗi người. Trong tranh Hà Mạnh Thắng, xung đột hiện diện trong thế lưỡng phân, giữa hai thế giới tâm linh và thực tại, để từ đó thiết lập một trạng thái cân bằng hài hòa.
Thực tế này thể hiện đậm nét trong chuỗi tác phẩm mới của nghệ sĩ, nay có sự hiện diện của những “sơn son thếp vàng”. Ở đây chỉ nói một ý nhỏ, đó là các câu đối/bài thơ xưa được sưu tầm và trưng bày cùng, như là một đối cảnh của cảm xúc, một “đối chứng” của cảm hứng. Tạm gọi là họa hình dẫn chứng.