Nhờ có phong trào Hakpok #MeToo, các nạn nhân bạo lực học đường ở Hàn Quốc đã dũng cảm lên tiếng tố cáo những kẻ đã bắt nạt mình.
Pyo Ye Rim, một thợ làm tóc người Hàn Quốc, chia sẻ với Hãng tin AFP về những trải nghiệm kinh hoàng như bị nhét kim vào giày, bị đẩy đầu vào bồn cầu hay bị đá vào bụng trong những ngày còn đi học.
Cô gái 26 tuổi này là một phần của phong trào Hakpok #MeToo, phong trào giúp những nạn nhân bạo lực học đường có thể tự mình chỉ mặt gọi tên những kẻ bắt nạt thuở còn đi học.
“Tôi đã phải một mình chịu đựng tất cả những việc đó”, Ye Rim kể lại. Cô cũng cho biết thêm các giáo viên vẫn luôn yêu cầu cô phải cư xử hòa nhã hơn với những kẻ bắt nạt. Việc bị bắt nạt cứ thế tiếp diễn, khiến cô nữ sinh Ye Rim rơi vào mất ngủ, trầm cảm, phải từ bỏ học sớm, từ bỏ ước mơ vào đại học và theo học nghề cắt tóc.
Tuy nhiên, cô quyết định ngừng trốn tránh và công khai tố cáo những kẻ đã bắt nạt mình, khiến một trong số đó đã bị đuổi việc.
“Tôi chỉ ước một điều duy nhất đó là có ai đó hãy đến giúp đỡ tôi”, Ye Rim nói với AFP. Cô cũng cho biết thêm đã không có ai giúp đỡ cô, chính cô đã phải tự tìm cách trốn thoát khỏi tình cảnh khi đó và đấu tranh để tồn tại.
"Căn bệnh" phổ biến mang tên bạo lực học đường
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, trẻ em nước này có thể phải dành 16 giờ mỗi ngày cho việc học tại trường và các trường tư nhân sau giờ học chính quy.
Cũng từ đây đã khiến nạn bạo lực học đường diễn ra thường xuyên hơn, bất chấp rất nhiều nỗ lực để dập tắt của chính người dân nước này.
Bà Noh Yoon Ho, một luật sư chuyên về các vụ bắt nạt tại Seoul, nói với AFP rằng bạo lực học đường là một “căn bệnh” phổ biến trong các trường học tại Hàn Quốc.
Đồng thời, vấn nạn bạo lực học đường cũng trở thành một “chấn thương tập thể” mà quốc gia này cần phải xử lý.
“Bất kỳ người Hàn Quốc nào cũng từng là nạn nhân hoặc là nhân chứng chứng kiến các học sinh khác bị bắt nạt, nhưng không nhận được sự giúp đỡ”, luật sư Noh nói thêm.
Cần mạnh tay xử lý hơn
Theo nhận định của ông Kim Ji Hoon - giáo sư tội phạm học, người đã nghiên cứu về nạn bắt nạt ở Hàn Quốc - nói với AFP rằng vấn đề chính vẫn là do nước này chưa có hệ thống nào để các nạn nhân có thể tiếp cận ngay khi vấn nạn bắt nạt xảy ra.
Trong khi đó, các nhà hoạt động tại Hàn Quốc cho biết nạn bắt nạt học đường thường không được xử lý trong thời gian còn học tập tại trường và thời hạn hiệu lực xử lý các vụ bắt nạt cũng không dài.
Điều này khiến các nạn nhân thường gặp khó khăn khi lên tiếng tố cáo nhiều năm sau đó.
Các nạn nhân của nạn bạo lực học đường cho rằng Chính phủ Hàn Quốc nên loại bỏ thời hiệu xử lý để những kẻ bắt nạt phải chịu trách nhiệm, thậm chí là sau hàng chục năm.
Tuy nhiên, điều khó khăn ở đây còn đến từ việc những kẻ bắt nạt thường phạm tội khi vẫn còn là trẻ vị thành niên.
Bên cạnh đó, Ye Rim cũng kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc xem xét lại luật hình sự về tội phỉ báng, bởi nhiều kẻ bắt nạt đã dựa vào điều luật hiện hành để tố cáo ngược lại, và đòi bồi thường từ chính các nạn nhân.
Các chuyên gia cũng cho biết nếu những biện pháp ngăn chặn nạn bạo lực học đường được thực hiện từ chính trong các trường học sẽ tạo được hiệu quả cao hơn.
Theo Tuổi trẻ