Sự thay đổi của khí hậu đang ngày càng đáng báo động, khi việc trái đất ngày càng nóng lên không hề có dấu hiệu dừng lại. Điều này làm dấy nên quan ngại lớn, đối với sự sống của nhân loại trong tương lai. Vì sao lại như vậy? việc trái đất nóng lên có ảnh hưởng như thế nào đối với thiên nhiên và con người?

Hiện tượng ấm hay nóng lên của trái đất, là sự gia tăng nhiệt độ trung bình của không khí và đại dương. Các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng trái đất nóng lên từ năm 1950 do hiệu ứng nhà kính. Trong khoảng 100 năm qua, hiện tượng này ngày càng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Trong thế kỷ 20, nhiệt độ trung bình của không khí gần mặt đất tăng 0,6 +- 0,2 độ C. Theo các nhà khoa học thuộc trường đại học tiểu bang Oregon và đại học Harvard (Hoa Kỳ), sau khi nghiên cứu họ đã đưa ra kết luận rằng nhiệt độ của trái đất đã tăng cao nhất trong hơn 11.000 năm qua, và trong vòng 100 năm tới nó còn có thể tăng thêm khoảng 5 độ C.

Trái đất đang dần "bốc cháy"

Những biểu hiện của hiện tượng này là gì?

1/ Nước biển ấm dần và tăng cao

Khi nhiệt động tăng cao, quá trình giãn nở và tan chảy của những tảng băng ở 2 điểm cực của trái đất ngày càng xảy ra mạnh mẽ. Lượng nước do băng tan, từ những núi băng và sông băng đã bổ sung thêm một lượng nước rất lớn vào đại dương trong một thời gian dài. Đây chính là nguyên nhân chính, dẫn đến việc nước biển ngày càng dâng cao.

Mực nước biển gia tăng trung bình khoảng 4mm mỗi năm, tính theo số liệu trung bình từ 2006 đến 2018. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, thì những vùng đất thấp hay đảo nhỏ sẽ bị nhấn chìm, tình trạng đất nhiễm mặn cũng gia tăng nhanh chóng.

Băng tan là nguyên nhân chính dẫn đến việc mực nước biển ngày càng dâng cao

2/ Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt

Nhiệt độ ngày càng tăng cao kỷ lục, sông ngòi cạn nước, cây cối khô héo, cháy rừng ngày càng xảy ra nhiều hơn…. Có thể thấy, toàn nhân loại đang phải phải đối diện với tình trạng thời tiết thất thường, với nhiều diễn biến phức tạp và khắc nghiệt.

Khắp nơi trên thế giới đang phải đón nhận những trận bão tuyết khủng khiếp vào mùa đông, những cơn mưa dai dẵng vào mùa hè, nắng nóng khô hạn muôn nơi. Những hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt đó, chính là biểu hiện rõ nét nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu theo chiều hướng “tiêu cực”.

Thời tiết ngày càng trở nên "khó sống" hơn

3/ Hiện tượng băng tan ở 2 cực trái đất.

Khi nhiệt độ trái đất ngày càng tăng cao, hiện tượng băng tan ở hai cực của trái đất ngày càng diễn ra nhanh chóng. Thậm chí những dòng sông băng vĩnh cửu, cũng không thể chống chọi trước tình trạng ngày càng xấu đi của khí hậu. Theo Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết quốc gia Hoa kỳ, tính đến ngày 16/9/2012, diện tích băng ở Bắc Cực chỉ còn khoảng 34 triệu km vuông. Tức chỉ còn lại khoảng 20% khối lượng của nó so với trước đây.

Hiện tượng băng tan ngoài việc góp phần lớn vào việc gia tăng mực nước biển. Thì còn giải phóng vào không khí nhiều loại virus cổ xưa vốn đã ngủ đông hàng triệu năm. Điều này làm dấy nên quan ngại lớn cho các nhà khoa học, về tình trạng sức khoẻ của con người và động vật. Vì những loại virus này vốn nằm ngoài tầm hiểu biết của con người hiện đại, nên những hậu quả mà nó đem lại là không thể lường trước.

Băng ngày càng tan nhanh, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như điều kiện sống của một số loài động vật

4/ Nồng độ Carbon dioxide (CO2) ngày càng cao.

Căn cứ theo việc phân tích các đồng vị carbon trong khí quyển cho thấy, sự gia tăng của CO2 trong khí quyển là hậu quả của việc đốt cháy nhiên liệu hoá thạch, cháy rừng chứ không phải do tác động của những điều kiện tự nhiên. Theo số liệu vào tháng 5/2022, nồng độ CO2 trong không khí đã cao hơn 50% so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp. Khi lượng CO2 tăng, đồng nghĩa với việc trái đất sẽ ngày càng nóng lên, kèm theo đó là những tác động ngày càng nghiêm trọng theo hướng cực đoan của môi trường, đối với hàng triệu người và những loài động thực vật trên thế giới.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trái đất nóng lên

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được chia làm 2 loại, đó là:

1/ Nguyên nhân nhân tạo

Là nguyên nhân do con người tạo ra, gây tác hại xấu đến môi trường toàn cầu. Trên thực tế, đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngày càng xấu đi trái đất. Những tác động chính có thể được kể đến:

Khói bụi, khí thải độc hại được thải trực tiếp vào khí quyển

- Tàn phá rừng và tài nguyên: hiện nay diện tích rừng chỉ chiếm khoảng 31% tổng diện tích Trái đất. Trong khoảng 3 thập kỷ qua, thế giới đã mất hơn 4% diện tích rừng, và con số đó vẫn không dừng lại. Rừng bị tàn phá sẽ làm lượng CO2 trong không khí gia tăng, mặt trời sẽ chiếu thẳng xuống mặt đất gây nên tình trạng thiếu nước và khô cằn, mùa mưa nước không được giữ lại nên sẽ gây tình trạng lũ lụt, nhưng mùa hè lại thiếu lượng nước ngầm dự trữ trầm trọng.

- Hiệu ứng nhà kính: là khái niệm dùng để chỉ việc năng lượng bức xạ của tia nắng mặt trời, xuyên qua của sổ hoặc mái nhà kính, được hấp thụ và phát tán lại thành nhiệt lượng toả ra không gian bên ngoài.Việc chặt phá cây, bê tông hoá diện tích mặt đất, đang làm cho hiện tượng này ngày càng trở nên nghiêm trọng. Lượng khí thải tăng cao cũng góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính bao trùm trái đất và sẽ giữ lại nhiệt lượng của mặt trời. Điều này dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu

- Quá trình công nghiệp hoá: trong quá trình công nghiệp và hiện đại hoá, đã có hàng loạt nhà máy sản xuất ra đời và thải ra một lượng khí thải, chất thải công nghiệp độc hại vào môi trường. Khói bụi từ nguyên liệu hoá thạch do hàng tỉ xe cộ thải ra, và từ những nhà máy phát điện… làm gia tăng lượng khí CO2, gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính và thủng tầng Ozone, khiến mặt trời có thể chiếu thẳng vào, và làm nhiệt độ trái đất tăng cao.

2/ Nguyên nhân tự nhiên

Bong bóng khí Mê tan dày đặc, như muốn nổ tung những khối băng ở Bắc Cực

Nguyên nhân tự nhiên gây nên hiện tượng trái đất nóng dần, phải kể đến đó là khí mê tan. Đây là một loại khí có thể làm cho khí quyển trái đất nóng lên nhanh hơn gấp 2 lần so với khí CO2. Thường những bong bóng khí mê tan khổng lồ sẽ bị khoá dưới lớp băng vĩnh cửu. Tuy nhiên, khi hiện tượng băng tan diễn ra lớp khí này sẽ phát thải vào tự nhiên, làm cho bầu khí quyển của trái đất ấm lên. Theo các chuyên gia, có hàng trăm triệu tấn khí mê tan đang bị khoá dưới lớp băng vĩnh cửu tại Bắc Cực, kéo dài từ đất liền xuống tận đáy biển thuộc vùng biển tương đối nông ở thềm phía đông Bắc Cực Siberi. Và khi nhiệt độ trái đất càng tăng cao thì lượng khí sẽ dần thoát ra ngày càng nhiều, đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Hậu quả của việc trái đất ngày càng nóng lên

Sự nóng lên của trái đất sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của con người. Nó tác động đến nguồn cung cấp nước và thực phẩm. Do sự thay đổi của thời tiết sẽ gây nên tình trạng xáo trộn vụ mùa, thiếu nguồn cung cấp nước tưới tiêu, đất đai nhiễm mặn… chất lượng nước và đất thay đổi cũng sẽ cản trợ việc sinh sôi của các loài động vật và thuỷ sản. Hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực, và tình cảnh khó khăn cho cuộc sống của con người.

Nhiều loài chim di trú đang đứng trước nguy cơ diệt chủng do sự thay đổi của thời tiết

Không chỉ vậy, việc không khí ngày càng ô nhiễm đang ảnh hưởng trực tiếp và gây ra nhiều tác hại đối với sức khoẻ con người trong điều kiện sinh hoạt mỗi ngày. Bệnh truyền nhiễm ngày càng  tăng cao, nhiều loại virus mới được phát hiện hoặc đã bị biến đổi không còn nằm trong sự hiểu biết và tầm kiểm soát của các chuyên gia nghiên cứu. Loài người đang phải đối mặt với nguy cơ diệt chủng trước mắt, nếu không thể khắc phục tình trạng nóng lên dần của trái đất.

Hành tinh của chúng ta đang phải chịu đựng khoảng thời gian khắc nghiệt nhất của biến đổi thời tiết. Việc khí hậu thay đổi, sẽ làm mất đi nhiều môi trường sống của các loài động vật như: gấu bắc cực, các loài động vật trong rừng nhiệt đới… thậm chí con đường di cư của những loài chim di trú cũng bị thay đổi bởi điều kiện thời tiết, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều loài động, thực vật trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Hành tinh của chúng ta đang phải chịu đựng khoảng thời gian khắc nghiệt nhất của biến đổi thời tiết

Tóm lại, việc điều kiện thời tiết thay đổi sẽ gây nên sự ảnh hưởng tiêu cực như nhau đối với cả con người và loài vật. Vì vậy, cần ý thức ngay việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Nhiều biện pháp thực tiễn đã được đặt ra nhưng chưa được áp dụng một cách nghiêm túc, và nhận thức của con người đối với thiên nhiên vẫn còn nhiều sự hạn chế. Cần mạnh mẽ và nghiêm túc thực hiện những biện pháp bảo vệ môi trường như: hạn chế xử dụng nguyên liệu nhựa, hạn chế sử dụng xe cộ phương tiện cá nhân để giảm khói bụi, tiết kiệm nguồn năng lượng, sử dụng năng lượng sạch (gió, mặt trời), không xả rác và xử lý rác thải đúng cách, xử lý chất thải trước khi thải vào môi trường tự nhiên, trồng nhiều cây xanh.. và nhất là cần nâng cao sự hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường của từng cá nhân. Bởi một thực tế không thể phủ nhận, đó là con người là nguyên nhân chính gây nên sự huỷ hoại môi trường sống của chính mình.