Nhiều trường đại học vừa thông báo mở thêm các ngành mới đang có sức hấp dẫn người học, đồng thời sử dụng những phương thức xét tuyển phổ biến, hiệu quả tuyển sinh cao.

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dự kiến mở 5 ngành mới như: Công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu, luật, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử. Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, cho biết những ngành được nhiều trường tổ chức đào tạo đều là những ngành có nhu cầu nhân lực cao. Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) năm nay mở mới ngành truyền thông đa phương tiện. Trường đang hoàn tất thủ tục để mở ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. PGS.TS Hồ Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhu cầu nhân lực ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng rất lớn, khoảng 30.000-40.000 lao động/năm. Từ nay đến 10 năm nữa, sinh viên tốt nghiệp ngành này được dự báo luôn có việc làm vì ngành đang rất thiếu nhân lực... Đại học Thủy lợi sẽ tuyển sinh tổng 5.500 chỉ tiêu trong năm 2023, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022, với 5 phương thức xét tuyển gồm xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; ưu tiên xét tuyển kết hợp với kết quả học THPT cho các đối tượng học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, học sinh học tại các trường chuyên (đối với các môn trong tổ hợp xét tuyển), học sinh có học lực xếp loại giỏi 3 năm lớp 10, 11, 12, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả học tập THPT; xét tuyển dựa trên kết quả học THPT (xét tuyển dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm các môn trong tổ hợp xét tuyển tương ứng); xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa. Có thêm 2 ngành dự kiến mới là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung. Chia sẻ với báo chí, TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thuỷ lợi cho biết, trường đã nghiên cứu và thấy trong 5-20 năm tới, nhu cầu giao lưu văn hóa, hợp tác ngày càng cao, nên quyết định đầu tư mở ngành, nhằm trang bị cho sinh viên thêm kỹ năng hữu ích để hội nhập. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết trường dự kiến vẫn 4 phương án xét tuyển: xét học bạ THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường, xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Năm 2023, trường dự kiến tăng chỉ tiêu của xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực (khoảng từ 15% - 20%) và giảm của xét tuyển bằng học bạ THPT (khoảng 30%). Trường dự kiến mở mới 5 ngành như Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến năm học 2023-2024 sẽ tuyển sinh ngành mới thành lập là Y dược cổ truyền, trước mắt là đào tạo bác sĩ y dược cổ truyền, chính thức nâng số lượng khoa thuộc trường lên 8 khoa. Trường Đại học An Giang đã công bố quyết định mở và xét tuyển sinh ngành đào tạo trình độ đại học hình thức đào tạo chính quy mới – ngành Thú y nhằm đào tạo bác sĩ Thú y cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tay nghề thành thạo, có sức khoẻ tốt, yêu nghề nghiệp; có khả năng tiếp tục học tập, tham gia học tập ở các bậc học cao hơn trong và ngoài nước. Năm 2023, trường Đại học Kiên Giang dự kiến trường mở thêm ngành Kinh doanh quốc tế, Bảo vệ thực vật. Tổng chỉ tiêu dự kiến năm 2023 là 1.675 chỉ tiêu. Theo quy định của Bộ GDĐT, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, từ năm 2020 đến 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó có 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, 149 ngành do Bộ GDĐT mở.