Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về việc xả rác thải nhựa ra ngoài môi trường. Mỗi năm, chúng ta thải vào môi trường khoảng 1,8 triệu tấn nhựa, trong đó khoảng 730.000 tấn là thải ra biển. Lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 - 2018.
Theo đánh giá của bà Dương Thị Phương Anh – Phó trưởng Ban Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Chiến lược - chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay đang rất nghiêm trọng. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 10-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác của thế giới, với lượng rác thải nhựa tăng lên nhanh chóng trong những năm qua.
Việc quản lý, sử dụng những phế phẩm từ nhựa ở nước ta hiện nay chưa nhận được sự quan tâm và xử lý đúng cách từ những ngành có liên quan, cùng với việc thiếu nhận thức trong việc phân loại rác của người tiêu dùng. Những điều này dẫn đến những hệ luỵ về lâu, về dài đối với sức khoẻ con người, và môi trường sinh thái. Một trong những biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng này chính là tái chế, tái sử dụng đúng cách những sản phẩm từ nhựa. Điều này luôn được khuyến khích để giảm lượng rác thải nhựa, giúp cải thiện môi trường.
Thông thường những sản phẩm từ nhựa sẽ được đánh mã số để giúp phân loại và nhận biết, chúng được gọi là mã SPI. Nhà sản xuất, cũng như người tiêu dùng cần xác định rõ những loại nhựa này để có thể sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả. Điều này cũng góp phần phân loại nhựa tái chế vào đúng mục đích sử dụng, tránh tổn hại đến sức khoẻ con người và môi trường.. Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số sản phẩm về nhựa không được đánh dấu tên loại lên sản phẩm. Vậy dựa vào đâu phân biệt những loại nhựa này?
Cách nhận biết ký hiệu tái chế trên những sản phẩm nhựa
Biểu tượng hình tam giác với 3 mũi tên được in ở dưới hoặc trên bề mặt những sản phẩm nhựa, chính là biểu tượng tái chế. Bên trong nó có in hình một con số nhỏ, để giúp nhận biết sản phẩm được làm bằng nhựa gì. Những loại nhựa khác nhau cần được phân loại riêng trước khi tái chế, vì mỗi loại nhựa đều được cấu tạo bằng một phân tử hoặc tập hợp các phân tử khác nhau, và chỉ những phân tử giống nhau của cùng một loại nhựa mới có thể trộn lẫn khi tái chế.
Những con số được xếp thứ tự từ 1 đến 7 gọi là mã nhận diện nhựa RIC (Resin Identification code), và mỗi con số biểu thị cho một ý nghĩa khác nhau. Cụ thể như sau:
Nhựa số 1: PETE hoặc PET (Polyethylene Terephthalate)
Đây là loại nhựa dễ tái chế và an toàn cho thực phẩm, nên thường được dùng phổ biến trong các sản phẩm tiêu dùng. Chúng thường được thấy ở vỏ trai nước suối, nước ngọt, dầu ăn…. Và thường được giữ lại để tái sử dụng trong nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia khuyến cáo của chỉ nên sử dụng những chai nhựa PET một lần duy nhất, vì việc tái sử dụng nhiều lần khi chưa được tái chế có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn và giải phóng những chất độc có thể dẫn tới bệnh ung thư.
PET là loại nhựa có thể tái chế hoàn toàn, từ chai cũ thành chai mới. Chúng được tái chế dựa vào công nghệ bottle to bottle
Nhựa số 2 : HDPE (High Density Polyethylene)
Loại nhựa này được làm từ dầu mỏ, là một trong những loại nhựa an toàn nhất đối với người sử dụng. Nó có khả năng chống mài mòn tốt, khả năng chịu nhiệt cao (chịu được cả nóng và lạnh), nên có thể sử dụng được trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Đồng thời loại nhựa này cũng có thể chịu được những loại hoá chất mạnh. HDPE thường được dùng để làm bình sữa cho trẻ, hộp sữa, chai đựng chất tẩy, chai đựng nhớt xe…
HDPE gần như không phân huỷ, hay tạo ra những chất nguy hiểm cho môi trường tự nhiên, chúng có thể được dùng như nhựa nguyên sinh và tái chế hoàn toàn.
Nhựa số 3 : V hoặc PVC (Vinyl)
Loại nhựa này được sản xuất rộng rãi thứ 3 trên thế giới, chỉ sau polyetylen và polypropylen. Nhựa PVC có chứa những chất phụ gia hoá học nguy hiểm cao như: chì, phthalates, cadmium và / hoặc organotins, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Nguy hiểm hơn, những chất phụ gia độc hại này theo thời gian có thể thoát ra ngoài hoặc bay hơi vào không khí, gây nguy hiểm cho người sử dụng nhất là trẻ em. Dạng nhựa PVC cứng thường được dùng làm ống nước, sản xuất chai lọ, các loại thẻ ngân hàng… Loại nhựa này không thể tái chế, nên cần hạn chế việc sử dụng ở mức tối đa nhất có thể.
Nhựa số 4 : LDPE (Low Density Polyethylene)
Được xem là loại nhựa an toàn nên thường được dùng để sản xuất những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày dành cho con người, như: ống hút, túi nhựa, màng bọc thực phẩm, chai đựng hoá mỹ phẩm…. LDPE ít bị nhiểm khuẩn và có khả năng kháng hoá chất, không bị tình trạng rò rỉ các chất độc tố có hại trong quá tình sử dụng. Tuy nhiên, sau khi được tái chế nó sẽ không còn an toàn đối với thực phẩm.
Nhựa LDPE có thể tái chế nhưng không hoàn toàn. Những chai lọ cứng thường được dùng để tái chế thành những vật dụng khác. Tuy nhiên những vật dụng nhẹ như túi nilong hay màng bọc thực phẩm thường không được thu gom để tái chế, nên cần hạn chế sử dụng và mỗi lần sử dụng có thể dùng thêm vài lần trước khi vứt bỏ.
Nhựa số 5: PP (Polypropylene)
Là loại nhựa được sản xuất rộng rãi, về tính chất thì PP là loại nhựa chắc chắn về mặt cơ học và có khả năng kháng hoá chất cao, thường được sử dụng trong ngành công nghiêp bao bì và in ấn. Ngoài ra, PP còn có tính dẻo, dai, và chịu được nhiệt độ cao, không thể khử các chất hoá học, nên có thể được dùng để đựng thức ăn nóng.
Dù có thể được tái chế nhưng chi phí tái chế phải khá cao, cùng với việc chúng thường được dùng để chế tạo ra những vật dụng nhỏ kết hợp cùng những nguyên liệu khác, như: nắp chai, dao cạo râu… gây khó khăn trong việc thu gom và phân loại. Do vậy, hiện nay chỉ có khoảng 1% nhựa PP được thu gom và tái chế.
Nhựa số 6: PS (Polystyrene)
Nhựa PS có thành phần chứa nhiều styrenne, đây là chất được International Agency for Research on Cancer cho là chất gây ung thư. Styrenne còn có khả năng gây kích ứng cho da, mắt, hệ hô hấp và đường tiêu hoá nếu tiếp xúc thường xuyên. Trong tình trạng phơi nhiễm mãn tính sẽ dẫn đến những tình trạng nghiêm trọng hơn như: nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng thính giác, và chức năng của thận.
Trong quá trình sản xuất nhựa Polystyrene còn cần sử dụng đến những hydrocacbon như benzen hoặc styrene. Những chất này khi bay vào không khí sẽ phản ứng với dioxide ni-tơ(NO₂) tạo thành ozon trên mặt đất, là một chất gây ô nhiễm không khí cực kỳ nguy hiểm. Nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, làm suy giảm chức năng phổi.
Nhựa Polystyrene dù độc hại nhưng lại thường được dùng để chế tạo thành bao bì xốp đựng thực phẩm, chai, khay, hộp đựng cơm dùng 1 lần… do vậy, để bảo vệ sức khoẻ cần hạn chế tối đa việc sử dụng những phẩm này, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Loại nhựa này cũng gần như không thể tái chế, do chi phí thu gom và tái chế cao. Chúng cũng không thể phân huỷ nên thường được xử lý bằng cách đốt, nhưng quá trình này đồng thời lại giải phóng một lượng khí độc styrene vào không khí, có khả năng làm suy yếu hệ thần kinh.
Nhựa số 7: các loại hợp chất khác
Đây là loại nhựa khác với 6 loại trên, cũng là loại độc hại và nguy hiểm nhất. Loại này thường được chế tạo thành những bình đựng nước có dung tích lớn, can nhựa, bình sữa cho trẻ, và nhất là những sản phẩm trong công nghiệp như: mắt kính, dĩa DVD… khi bị tác động, xử lý không đúng cách có thể sinh ra bisphenol-A (BPA) một loại chất nguy hại cho sức khoẻ, có thể gây vô sinh và ung thư. Do vậy, loại nhựa này sẻ không được tái chế và sử dụng lại.
Nếu sản phẩm không được đánh số ký hiệu tái chế?
Trong trường hợp những sản phẩm nhựa không có ký hiệu để phân biệt, thì việc phân loại chúng sẽ buộc phải dựa vào những kinh nghiệm thực tế, như sau:
Bằng cách đốt cháy: nhựa polylefin dễ bắt lửa, khi cháy sẽ hoá lỏng và nhỏ giọt. ABS và PVC có thể cháy ở nhiệt độ trung bình những không nhỏ giọt. PET nếu bị đốt cháy sẽ tạo ra hiện tượng nhỏ giọt và các bóng khí.
Quan sát màu sắc ngọn lửa:
- - Polyolefin và nylon (PA) : khi đốt sẽ có ngọn lửa màu xanh với đầu màu vàng. Để phân biệt 2 loại này có thể dùng nước Polyolefin sẽ nổi, còn nylon sẽ chìm.
- - PVC : sẽ tạo ra ngọn lửa vàng, đầu màu xanh lục.
- - PET, hoặc Polycarbonate: lửa màu vàng và khói xám tối màu.
- - ABS hoặc polystyrene: lửa màu vàng với khói xám đen sẫm màu.
Phân biệt thông qua mùi khi đốt:
- - PET tương tự mùi khét của đường cháy
- - LDPE và HDPE có mùi tương tự sáp nến
- - PCV nguồn gốc của thành phần có chưa Clo, nên khi bị đốt cháy sẽ giải phỏng chất độc này.
- - ABS và polystyrene có mùi như styrene, nhưng có thêm mùi như mùi cao su.
Dù hiểu rõ thành phần và tác hại của nguyên liệu nhựa, nhưng đồng thời cũng không thể loại bỏ những ưu điểm mà loại vật liệu này đang chiếm dụng trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Do vậy, việc nắm bắt thông tin, phân biệt được những loại nhựa khác nhau chỉ góp phần giúp người tiêu dùng có thể sử dụng một cách hạn chế, phân loại nhựa đúng cách. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc tái sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế, giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa ra ngoài tự nhiên. Bảo vệ môi trường không chỉ là trong trách hiện tại của mỗi người, mà quan trọng nhất còn là việc giữ gìn môi trường sống cho thế hệ mai sau, trước những ảnh hưởng nặng nề từ những vật dụng tưởng chừng vô hại và quen thuộc mỗi ngày của chúng ta.