Nếu bạn thích đồ sứ Trung Quốc, hẳn bạn là người thích đường nét thanh nhã, tinh tế, thích những cái đẹp mong manh. Nhưng gốm Nhật, gốm Hàn thì không chỉ có thế. Vẫn còn cả những chiếc tách, chiếc cốc nặng trình trịch, thô, những chiếc bình đôi lúc bị cố ý làm lỗi, bị vặn cong, bị làm cho méo miệng, sứt quai hay một họa tiết bị lệch.... Cố ý đấy. Nó bảo đảm sản phẩm làm ra là thủ công, không đụng hàng, là duy nhất. Nó - là - của - tôi - và - cho - tôi, hoặc do - chính - tôi - làm.
Cũng tương tự như thế, ở Việt Nam, nếu lỡ tay làm rơi vỡ bình gốm quý, ngay lập tức người ta sẽ đi tìm cái chổi và cho tất cả những mảnh vỡ vào sọt rác. Những gì không còn giá trị sử dụng thì không nên lưu lại, chật chỗ. Nhật và Hàn lại khác. Một số người sẽ đi tìm các loại keo, vít, cả vàng, bạc nữa, bỏ ra hàng nhiều giờ, gắn chúng lại. Có khi vàng hoặc bạc sẽ được quét lên, không phải để che đi những vết nứt, gãy, vỡ...mà để tôn dấu vết lên thành những đường nét rõ ràng. Vài món khác, nếu muốn che vết dấu nối cuả ốc vít, đường dán, một nhành hoa, dây leo, một con bướm nghệ thuật sẽ được đắp lên thêm. Dĩ nhiên sau những công đoạn kỳ khu và tỉ mỉ ấy, cốc không còn dùng để uống nước, bình không còn để đựng rượu. Chúng được trưng bày trang trọng. Cái người ta giữ lại không phải là một vật dụng đã bị hỏng. Cái giữ lại là một tác phẩm nghệ thuật sinh ra sau đổ vỡ. Cái người ta mất thì giờ, trân trọng để không phải từ giã không phải là công năng của đồ vật mà là kỷ niệm, là hồi ức. Nhìn vào chúng, ta hiểu ý nghĩa và giá trị tinh thần đang được nâng niu.
Những điều này không hẳn mới mẻ gì, có điều chúng ta ít để ý, hoặc không biết; hay biết nhưng không mấy khi nghĩ tới nên quên. Tôi chợt nhớ đến "sự tinh tế trong tâm hồn" ấy, thứ đã gần như bị lãng quên, khi đọc hàng loạt lời chê bai giành cho bức ảnh hai nguyên thủ của hai quốc gia Hàn - Việt ngồi đàm luận bên Hồ Gươm sáng nay. Theo tôi đó là một bức ảnh đẹp. Nó toát lên một vẻ thanh bình, thân thiện, an toàn, rất Việt Nam. Nó vượt lên trên những nghi thức ngoại giao.
Những ý kiến chê bai - rất đông - không nhìn khía cạnh đó. Họ cho rằng ai chọn vị trí, chiếc ghế cho Chủ tịch nước nghỉ chân cùng Tổng thống Hàn Quốc đã thật sự tắc trách, không nhận ra chiếc ghế đã quá cũ kỹ và đã gãy. Họ đoán rằng - và mong - sẽ có cán bộ trong Vụ lễ tân Bộ Ngoại giao và Sở Ngoại vụ Hà Nội phải bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm, tạo ra một hình ảnh không đẹp, không chu đáo, thậm chí có phần nhếch nhác, cẩu thả, làm xấu hình ảnh đất nước… Sợ chê quá đà thì dễ gặp rầy rà, họ khen Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ý nhị, chọn phần gồ ghề để ngồi, che luôn vết gãy, dành chỗ bằng phẳng cho khách. Làm khó nguyên thủ như thế, cán bộ các bộ, ngành và Thủ đô bị kỷ luật nặng là phải quá rồi.
Thật ra không hẳn thế. Trong văn hóa Hàn, Nhật....người ta thường giữ lại các ghế cũ, ghế gãy gãy ở các công trình mới tại những nơi du lịch, checking nổi tiếng, ví như cầu tình yêu, dưới chân tháp truyền hình quốc gia, trong công viên, trong nhà ga, trong các sân chùa cổ, trong cố đô hay phế đô, hay một nơi nào đó trên quảng trường nơi khách tham quan ưa tìm đến... Giữ như một kỷ niệm. Giữ với triết lý là không có gì đáng bị lãng quên. Giữ với ý niệm ngồi ghế gãy, người ta sẽ xích lại gần nhau hơn, quan tâm, hỗ trợ, nhường nhịn nhau hơn. Khách có ướm chỗ ngồi lên những chiếc ghế ấy, hẳn ai cũng nhẹ nhàng, không nỡ thả người vào hồi ức một cách quá mạnh bạo và thô lỗ. Để an toàn và an tâm, cho mình, cho người, cho hiện tại và cho tương lai nữa...
Một đôi chỗ, ghế, lan can, một thân cây gãy vắt ngang...là sản phẩm mới hoàn toàn, nhưng người ta cố ý làm cho cũ đi, cố ý tạo ra vết nứt - gãy - đổ. Là hồi ức, là giá trị tinh thần, người ta cần nó để nâng niu, để hồi tưởng, để ngắm, để...chụp ảnh, để được giữ lai, hơn là thật sự cần sử dụng. Gặp gỡ trong không gian đó, hẳn cuộc trò chuyện sẽ có ý nghĩa biểu cảm hơn nhiều.
Nếu người bình thường có thể hiểu điều đó, người làm ngoại giao, phụ trách nghi lễ, tiếp tân hẳn càng biết rõ hơn. Tôi không biết chắc chiếc ghế mà hai nguyên thủ ghé ngồi vào sáng nay bị cũ, bong, gãy từ lúc nào, là ngẫu nhiên hay cố ý mà thành như thế. Nếu là đoán, tôi đoán nó mới gãy thôi, cố ý gãy, vì cái vết cắt ngang thanh ghế không mang nhiều vẻ gãy tự nhiên và dấu vết thời gian. Vả lại, chỗ ngồi và cuộc đi dạo của nguyên thủ hai quốc gia, an ninh - an toàn trên hết, không có chỗ nào cho ngẫu nhiên cả. Nếu cũ, gãy là có sẵn, nó sẽ không lọt qua mắt kiểm tra của những bộ phận có trách nhiệm. Nếu hai nguyên thủ đã ngồi chỗ đó, hẳn đó sẽ là nơi thích hợp nhất, an toàn nhất. Nó được chuẩn bị rất kỹ lưỡng để tất cả diễn ra tự nhiên nhất, thể hiện hết sự bình dị, chân thành và thân thiện. Câu chuyện, bối cảnh cho câu chuyện, do đó sẽ trở nên giàu ý nghĩa hơn.
Vậy thì tôi chắc sẽ không có sự tắc trách, không có ai bị kỷ luật cả. Suy nghĩ tích cực, đó chính là sự tự nhiên hoàn hảo, la một nét tinh tế của văn hóa ngoại giao. Và mong là thế.
24-6-2023
NHL
P/S: Cũng tương tự, Ngài Obama đâu có rảnh mà xắn tay áo ngồi ăn bún chả, uống bia không rót ra cốc trong một quán bình dân ở Hà Nội.
Nguồn: Nguyễn Hồng Lam