Lần đầu tiên kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nhật Bản mở rộng đề nghị hỗ trợ Kiev, theo đó sẽ giúp nước này huấn luyện các kỹ thuật pháp y khám nghiệm tử thi.

Các sĩ quan cảnh sát khai quật thi thể từ khu vườn một ngôi nhà ở vùng Kharkov, miền đông Ukraine hồi tháng 4 (Ảnh: Kyodo).

Theo tuyên bố của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) hôm 28/6, Tokyo sẽ hỗ trợ đào tạo huấn luyện cho cảnh sát Ukraine các kỹ thuật pháp y để thực hành nhanh chóng việc khám nghiệm các tử thi thiệt mạng trong chiến sự.

Nhiều sĩ quan Nhật Bản có kinh nghiệm trong việc nhận dạng các thi thể sau thảm họa động đất-sóng thần năm 2011, sẽ tham gia đợt huấn luyện lần này. Tổng cộng, 10 quan chức cấp cao từ bộ phận pháp y thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc gia Ukraine dự kiến sẽ đến Nhật Bản sớm nhất là vào ngày 10/7 để tham gia đào tạo.

Chính phủ Ukraine cho biết, cho đến nay có hàng chục nghìn thi thể chưa được xác định danh tính ở nước này và Kiev được cho là đang đẩy nhanh công việc nhận dạng các thi thể sau khi công việc này bị đình chỉ trong đợt tuyết rơi mùa đông.

Lời đề nghị về chương trình đào tạo được đưa ra sau khi Kiev liên hệ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Ukraine thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, trong đó yêu cầu các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ chuyên môn của họ trong việc nhận dạng số lượng lớn thi thể.

"Về số lượng (khám nghiệm tử thi hàng loạt), cảnh sát Nhật Bản có kinh nghiệm và chúng tôi tin mình nên hỗ trợ", một quan chức của NPA cho biết.

Trong thời gian đào tạo, các quan chức Ukraine sẽ đến thăm cơ quan, Viện Nghiên cứu Khoa học Cảnh sát Quốc gia, Cảnh sát Quận Fukushima và trạm Azabu của Sở Cảnh sát Thủ đô Tokyo.

Cơ quan này cho biết, các sĩ quan Ukraine sẽ được đào tạo về quy trình khám nghiệm tử thi hàng loạt và cách thu thập mẫu vật đúng quy trình, cũng như cách tiến hành phân tích ADN hiệu quả.

Kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần kinh hoàng vào ngày 11/3/2011, đến cuối tháng 2 vừa qua, cảnh sát Nhật Bản đã hoàn thành 15.830 cuộc khám nghiệm tử thi của những người thiệt mạng từ các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima và đã nhận dạng được 99,7% trong tổng số đó.

Để thực hiện rất nhiều khám nghiệm tử thi trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, NPA đã cử tổng cộng 25.000 chuyên gia từ khắp cả nước đến 3 tỉnh này trong 6 tháng sau thảm họa, trong thời gian đó 14.632 thi thể đã được nhận dạng.

Cơ quan này cho biết, trong việc xác định danh tính 15.777 nạn nhân thảm họa ở 3 tỉnh, phương pháp thành công nhất là thông qua các đặc điểm ngoại hình và đồ đạc với tỷ lệ 88,6%, tiếp theo là hồ sơ nha khoa với tỷ lệ 7,9%, dấu vân tay là 2,4% và phân tích DNA là 1,1%.

Theo thời gian, khi việc nhận dạng ngày càng trở nên khó khăn, cảnh sát đã tạo cơ sở dữ liệu ADN từ các mẫu do gia đình những người mất tích cung cấp và tạo ra "chân dung" công khai dựa trên đặc điểm khuôn mặt của người thiệt mạng.

Phía Ukraine cũng hy vọng học hỏi cách Nhật Bản quản lý việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các thành viên trong gia đình để hỗ trợ những người mất người thân.

Theo Japan Times