Ở Huế có một thứ bánh kết hợp hai loại bánh khác nhau, ăn vào vừa giòn vừa dẻo, béo nhưng ít ngấy, đó là bánh ram ít.

Bánh ram ít có hai phần tách bạch rõ ràng: phần bánh ram và phần bánh ít. Tuy cách thức chế biến khác nhau nhưng cả hai phần bánh đều được làm từ gạo nếp. Nếp làm bánh phải là thứ nếp ngon, thơm, dẻo.

Nếp được xay nhuyễn thành bột, trộn tí muối, cho nước ấm từ từ từng ít một. Dùng tay nhồi bột đến khi tạo thành một khối chắc mịn, mềm nhưng không nhão, nặn thành các viên tròn nhỏ bằng hai ngón tay.

Tôm nhỏ để nguyên con ướp với bột nêm thực dưỡng, đường thốt nốt, nước mắm ngon và tiêu, chả chay xắt hạt lựu. Phi thơm hành tím băm (với dầu màu điều càng tốt) rồi cho tôm đã ướp và chả chay vào rim lửa nhỏ đến khi cạn nước và nhân sánh lại là được. Xoa ít dầu ăn vào tay, ấn từng viên bột thành hình dẹp, lấy muỗng múc tôm chả đặt vào giữa rồi vo tròn lại. Bánh ram ít đúng chất Huế là kiểu bánh không cần vo tròn mịn màng, vỏ bánh nên mỏng thì ăn không bị ngán. Bánh sau khi hấp xong phải thấy được phần nhân “lấp ló” bên trong. 

Xếp bánh ít vào khay, hấp khoảng 10 phút sau khi nước sôi. Bánh chín gắp ra để nguội, đậy bằng lá chuối để bánh không bị khô.

Khác với bánh ít, khi nhồi bột bánh ram bớt nước hơn một chút để cho bột bánh đặc. Bánh ram vo tròn ấn mỏng được chiên ngập dầu đến khi bánh giòn và có màu vàng hơi sậm. Vớt bánh ra để trên lớp giấy thấm cho ráo dầu. Lúc bày ra đĩa, đặt phần bánh ít lên trên bánh ram rồi rắc thêm tôm cháy, mỡ hành.

Một điểm thú vị nằm ở NƯỚC CHẤM pha từ nước luộc đầu tôm, nước mắm nguyên chất, đường thốt nốt, ớt xắt. Nước chấm này kết nối mọi thứ hài hòa với nhau khiến bạn ăn hoài không ngán. Dân gian Huế có bài ca dao nói về sự ngon của bánh ram ít như sau:

Này em vừa ngậm mà nghe
Ram vàng ít dẻo càng mê vị tình
Mới hay đặc sản Huế mình
Sắc hương dân dã cung đình tìm nhau

Nguồn: Hương An