12 năm học phổ thông, tôi là học sinh gương mẫu. Ngoài chuyện sơ vin, áo trắng cho vào trong quần, tôi còn luôn đến trường trước 7 giờ sáng. Tấm ảnh trên tối và rung vì được tôi chụp lúc 6h45 sáng mùa đông, khi trời chưa kịp có nắng, ngày tôi học cấp 3.

Những đứa trẻ nghiêm túc như vậy thường hoặc là bị bắt nạt, hoặc là đi làm sao đỏ. Tôi bị bắt nạt trước, sau đó được bổ nhiệm làm sao đỏ và bí thư lớp. Những ngày tháng đi học tưởng là dễ chịu đối với người học trò có quyền được phạt những người học trò khác, nhưng ngày tôi ngồi ghế nhà trường vẫn đầy áp lực.

Sinh ra trong một gia đình “có trên có dưới,” thực tế là tôi sợ kỷ luật chứ không hề thích nghi tuyệt đối với nó. Vào tiết 1 lúc 7 giờ sáng là một cơn ác mộng đối với mọi học sinh, tôi không phải ngoại lệ. Và nay, khi giờ đó đã được đẩy muộn thêm nửa tiếng thành 7h30, tôi muốn chúc mừng các em học sinh.

Tôi biết có nhiều kiểu cách học sinh “lách luật” để bảo toàn sức khoẻ, như xin cáo ốm để được nằm ngủ ở phòng y tế tiết đầu tiên, hoặc ngủ gật trong những tiết học phụ. Tôi quá “hèn” để làm những điều đó và vui vì lứa sau được đi đường thẳng, chứ không đi lòng vòng chỉ để đỡ mệt.

Dường như trường học ngày xưa vừa cho tôi bao kỷ niệm tuổi mới lớn đẹp đẽ, vừa tàn phá sức khỏe của tôi. Tôi thường xuyên đến trường trong bộ dạng mắt đỏ hoe và thâm quầng vì thiếu ngủ, song thầy cô lại coi đó như một sự gương mẫu mà cán bộ lớp nên có. Nhẽ ra sức khoẻ không nên là thứ người dạy và người học nên thoả hiệp, và sự mệt mỏi không nên được coi như một phẩm cách cao đẹp.

Hơn nửa thập kỷ kể từ ngày tốt nghiệp phổ thông, các nhà làm chính sách giáo dục mới lắng nghe tiếng nói và sức khoẻ của học sinh. Nhưng dịch giờ học tiết 1 từ 7h đến 7h30 mới chỉ giải quyết được bề mặt của giờ giấc, cùng tác động của nó tới học sinh. Chúng ta đều biết phải kết thúc giấc ngủ quan trọng nhất trong ngày quá sớm sẽ gây ra nhiều hậu quả, nhưng bắt đầu giấc ngủ này quá muộn cũng gây hao mòn sức lực, mà chẳng ai quan tâm đến.