Được mệnh danh là “vua cà pháo”, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), cho biết cuối tháng 9 và đầu tháng 11 vừa qua công ty đã xuất cảng hai lô hàng phục vụ tết sang thị trường Mỹ. Củ kiệu, cà pháo, ớt xay, bánh nậm, bánh lọc, mắm ruốc Huế là những món ăn truyền thống được đặt hàng nhiều nhất.
Thấm đẫm hương vị tết quê nhà
Do số lượng đặt hàng quá lớn, công ty quyết định đầu tư thêm nhà máy ở TP.HCM chỉ sản xuất riêng bánh lọc, bánh nậm với công suất 600.000 bánh/tháng. Ngoài thị trường Mỹ, bánh còn được các đối tác ở các nước Nhật, Úc, Đài Loan… đặt hàng.
Để đưa những món ăn truyền thống xuất ngoại không hề đơn giản, ông Tuấn cho biết các mặt hàng phải vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Củ kiệu, cà pháo được lên men tự nhiên, bằng quy trình lên men truyền thống cải tiến đảm bảo tạo ra sản phẩm an toàn, ngon vị, có độ chua ngọt, giòn, đậm đà từ gia vị thiên nhiên.
“Thực sự tôi rất vui khi người Việt xa quê có món ăn truyền thống được làm từ Việt Nam và đặc biệt hơn, ngày tết cổ truyền mâm cơm của bà con kiều bào luôn có những món ăn thấm đẫm hương vị tết quê nhà” - ông Tuấn chia sẻ.
|
Nhiều mặt hàng như củ kiệu, ớt xay, bánh nậm, mắm ruốc… được xuất khẩu sang nhiều nước. |
Ông Trần Thanh Toàn (chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Trần Gia tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã hơn chục năm miệt mài làm bánh xuất khẩu sang các nước ở châu Âu, châu Á, châu Úc mỗi dịp tết đến. Hiện bánh chưng, bánh tét của Trần Gia đã có mặt ở 10 quốc gia, lớn nhất là thị trường Mỹ, Úc và Canada. Bánh được gói và xuất bán quanh năm nhưng số lượng lớn nhất vẫn là dịp tết.
Để bánh chưng lên tàu vượt biển dài ngày vẫn đến tay kiều bào thơm ngon, ông Toàn tiết lộ ngoài phương pháp gia truyền, tất cả nguyên liệu làm bánh phải theo một quy trình khép kín đến khâu gói bánh đều chọn lọc kỹ. Với kỹ thuật hút chân không, bánh chưng xuất khẩu có thể bảo quản được sáu tháng.
Ông Toàn cho biết cơ sở vừa xuất hai chuyến hàng khoảng 5 tấn bánh chưng nhân đậu và bánh tét nhân chuối sang Mỹ. Năm nay do chi phí vận chuyển tàu biển tăng cao nên các đơn vị nhập khẩu giảm bớt đơn hàng, có đơn hàng lẻ chỉ vài trăm bánh nhưng cơ sở vẫn xuất hàng.
“Kiều bào ta dù ở đâu vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương, nhất là khi tết đến xuân về, mọi nhà đoàn viên. Sự hiện diện của bánh chưng, bánh tét trên bàn thờ tổ tiên và trong mâm cơm sum họp ngày tết đáng quý nhường nào. Vì thế, dù đơn hàng nhỏ lẻ nhưng tôi vẫn làm để kịp đến tay bà con” - ông Toàn nói.
Tất cả để kiều bào xa quê đón tết
Chi phí đầu vào tăng trong khi đơn hàng giảm là khó khăn kép mà các đơn vị sản xuất đặc sản Việt xuất ngoại đang gặp phải. Tuy nhiên, với tinh thần tất cả vì kiều bào xa quê, thay vì tăng giá bán, các đơn vị này đã chọn cắt giảm lợi nhuận để kìm giữ giá.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn cho hay số lượng hàng tết năm nay của công ty cơ bản sẽ giữ mức như mọi năm nhưng ngày thường thì giảm khoảng 20%. Nguyên liệu chuẩn bị cho hàng tết như giá cà pháo, giá kiệu… kể cả giá đường đều tăng nhưng công ty vẫn giữ nguyên giá như tết năm ngoái.
Giải pháp linh hoạt là với những nguyên liệu có thể trữ được như cà pháo, đơn vị đã mua số lượng lớn hơn ngay từ sớm và chấp nhận cắt giảm phần lợi nhuận để kích cầu tiêu dùng.
|
Chế biến, đóng gói cà pháo cùng nhiều mặt hàng khác để bán cho đối tác nước ngoài.
|
“Vua cà pháo” tiết lộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thị phần xuất khẩu chính ngạch, dù bước đầu rất khó nhưng đã vượt qua được thì mọi thứ dễ dàng hơn. Hiện sản phẩm cà pháo muối của công ty đã đi chính ngạch sang Mỹ, Nhật, Đài Loan và đang hướng đến xuất khẩu sang nhiều nước khác.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, cho biết những mặt hàng thực phẩm tết xuất khẩu nhiều đều gặp khó do giá nguyên liệu tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nỗ lực để chủ động lựa chọn nguồn cung trong nước và thị trường xuất, đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
Ngoài ra, các đơn vị đã chú trọng gia tăng sức cạnh tranh bằng việc nghiên cứu, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm.