Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích tại châu Á, cùng với Thái Lan - quốc gia đang giữ vị trí số 1.

Du khách quốc tế đăng ký tham quan tòa nhà trụ sở Ủy ban nhân dân TP.HCM trong dịp lễ 30-4 và 1-5 - Ảnh: MINH HUYỀN

Việt Nam trở thành một điểm đến phổ biến nhất ở Đông Nam Á, với cảnh quan đa dạng, từ những thiên đường biển đảo, ruộng bậc thang, đồi núi, đến các đô thị nhộn nhịp.

Theo báo cáo của Google Destination Insights, dải đất hình chữ S là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ 7 trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 6 vừa qua. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 20.

Sự nổi lên của du lịch Việt Nam thể hiện qua số lượng khách quốc tế. Cuối tháng trước, Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố rằng cả nước đã đón hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế trong sáu tháng đầu năm 2023, vượt tổng lượng khách quốc tế trong cả năm 2022.

Du lịch Việt Nam tăng trưởng vượt ngoài dự đoán

Khách du lịch quốc tế chọn Hà Nội là một trong những điểm đến hấp dẫn năm 2023 - Ảnh: MINH HUYỀN

Ngành du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu đón 8 triệu du khách trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, con số này được dự báo có thể sẽ tăng lên 10 triệu.

Ông Bobby Nguyễn, chủ tịch của tập đoàn du lịch Rustic Hospitality Group, nhận định với Đài DW của Đức rằng sự gia tăng chủ yếu đến từ du khách Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

"Khách Trung Quốc đã bắt đầu đi du lịch nước ngoài. Họ tới Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường khách Ấn Độ cũng đã tăng trưởng từ năm 2022", ông Bobby Nguyễn cho biết.

Ông Bobby Nguyễn cũng nhấn mạnh sự lan tỏa của mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok hay các kênh quảng cáo của Google và ảnh hưởng từ các cộng đồng du lịch lớn đã đưa hình ảnh của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Việt Nam cải thiện chính sách visa để thúc đẩy du lịch

Không khó để bắt gặp khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan tại các con đường trong phố cổ Hội An - Ảnh: MINH HUYỀN

Chính phủ Việt Nam gần đây cũng đã phê duyệt chính sách thị thực mới cho du khách quốc tế, tăng gấp ba lần thời gian miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày đối với một số quốc gia.

Đối với du khách từ các quốc gia đủ điều kiện để xin thị thực điện tử vào Việt Nam, thị thực hiện sẽ có hiệu lực lên đến 90 ngày với một hoặc nhiều lần nhập cảnh. Những thay đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15-8.

Ông Gary Bowerman, giám đốc Công ty du lịch Check-in Asia có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia), cho biết những thay đổi về thị thực sẽ thúc đẩy ngành du lịch.

Ông nói với DW: "Trong 6 tháng tới, ta sẽ thấy lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng lên. Tôi nghĩ rằng du lịch nước này sẽ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đặc biệt là khi thị trường Trung Quốc đã quay trở lại".

"Giới trẻ bây giờ muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam. Nơi đây còn rất nhiều điều để khám phá mà không phải ai cũng biết. 

Việt Nam còn nhiều bí ẩn khiến ai cũng hiếu kỳ. Đây là một đất nước mà rất nhiều người muốn đầu tư, kinh doanh và đi du lịch tại đây. Còn Thái Lan, tôi nghĩ có lẽ đã được biết đến nhiều rồi", ông Bowerman nhận xét.

Nói về chính sách thị thực mới sẽ thu hút thêm nhiều du khách quốc tế, ông Max Lambert, chủ sở hữu của Fuse Hostels & Travel, tự tin nói: "Tôi rất mong chờ những điều tốt đẹp sẽ xảy ra".

Fuse Hostels & Travel đã khai trương hai khách sạn ở Hội An vào cuối năm ngoái. Max Lambert cho rằng công ty của ông đang hoạt động với công suất gần với mức trước đại dịch.

"Chúng tôi nhận thấy trong ba tháng qua, số lượng khách quốc tế lưu trú tại khách sạn đã tăng đáng kể, đồng thời lượng đặt phòng đã trở lại mức của năm 2019. Tôi nghĩ rằng dư âm của đại dịch COVID-19 đối với thị trường du lịch đã qua đi", Max Lambert trả lời trên DW.

Thái Lan vẫn giữ ngôi đầu bảng

Dù vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt mức trước đại dịch, khi đón gần 19 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019.

Điều đó có nghĩa là Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu muốn cạnh tranh với du lịch Thái Lan. Ông Max Lambert nhận xét: "Trong khu vực, Thái Lan vẫn đang tăng trưởng về số lượng du khách. Việt Nam sẽ mất khá nhiều thời gian để đạt được mức đó".

Ông Bobby Nguyễn cho biết Việt Nam phải cải thiện một số lĩnh vực để tối đa hóa tiềm năng của mình. 

"Du lịch là kinh tế hội nhập. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành phải chặt chẽ. Cơ sở hạ tầng, kể cả hệ thống đường cao tốc, đường sắt, đường bộ chưa đáp ứng được sự phát triển của du lịch. 

Ngoài ra, cần đào tạo lại và đào tạo mới nhân sự làm việc trong ngành du lịch để đáp ứng chất lượng dịch vụ cung cấp cho du khách", ông nói thêm.

Theo Tuổi trẻ