Dù là nhân viên văn phòng có mức thu nhập ổn định, hay sinh viên đang sống nhờ vào trợ cấp gia đình, thì giới trẻ ngày nay đa phần vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy túi”. Vì sao lại như vậy?

Quản lý chi tiêu cũng là một “nghệ thuật”, và không phải ai cũng có đủ năng khiếu để làm tốt việc đó. Nó đòi hỏi phải có sự kiên định, nỗ lực và quan trọng nhất là khả năng tự kiểm soát bản thân. Hiện nay, giới trẻ đang chịu chi phối từ nhiều cám dỗ trong cuộc sống, phải kể đến nhất là ăn uống và mua sắm, rồi đến du lịch…. Rất nhiều, rất nhiều những nhu cầu “không tên” khác…. Bên cạnh đó còn cần kể đến sự tiện lợi, và những tiện ích sẵn có, để phục vụ cho việc “tiêu tiền” hiện nay đang ngày càng hoàn thiện và phổ biến. Tất cả, những yếu tố ấy đều ảnh hưởng không ít đến thói quen chi tiêu của mỗi người.

Du lịch trải nghiệm là điều được nhiều bạn trẻ yêu thích và ưu tiên hàng đầu khi kiếm ra tiền

Làm một tiêu….. “một đống”

“có quá nhiều thứ muốn mua….” là lý do hàng đầu dẫn đến tình trạng “cháy túi”, ở nhiều người, khiến họ phải lâm vào tình trạng chật vật để chờ đến kỳ lương tiếp theo. Chị Phương Uyên - Graphic Designer chia sẻ: “Mình thường tiêu hết tiền sau khoảng 7-10 ngày kể từ khi nhận lương. Nguồn thu nhập từ các công việc freelance sẽ là khoản back-up của mình. Tuy nhiên có lần, job freelance trả lương chậm một tuần. Trong khoảng thời gian đó, mình trắng tay giữa Sài Gòn hoa lệ. Mình hối hận vì những buổi ăn uống xa hoa, những món đồ ‘vô tri’ chốt đơn lúc 3h sáng. Ngoài việc tạm thời xin tiền ba mẹ thì mình không còn cách nào khác…”.

Có thể thấy, chỉ sau khoảng một đến hai tuần nhận lương, hoặc thậm chí là 4,5 ngày… nhiều bạn trẻ như chị Uyên đã nhanh chóng rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính, hoặc nhận ra bản thân đã mất kiểm soát vào việc chi tiêu. Chị Phương An - Product Assistant cho biết: “Khi còn làm ở công ty cũ, mình lãnh lương vào ngày 25 hàng tháng. Và rồi chỉ 5 ngày sau đó, ví mình không còn đồng nào, hoặc khá lắm thì cũng để dành được 1 triệu để chi tiêu. Sau đó, mình phải nấu cơm nhà, mỗi ngày chỉ ăn một đến hai bữa, cắt luôn tiền cà phê để tự cứu lấy mình. Mình cảm thấy bất lực với bản thân vì mỗi lần ‘cháy túi’, mình đều tự nhủ tháng sau sẽ cân đo đong đếm tốt hơn, nhưng lại chưa bao giờ làm được.”

Nhiều bạn trẻ sẳn sàng xếp hàng nhiều giờ, và bỏ ra số tiền lớn để mua được món đồ mà mình thích.

Còn với sinh viên, đối tượng hầu hết vẫn đang sống nhờ vào trợ cấp của gia đình, thì tình trạng “cháy túi” cũng không ngoại lệ. Hoàng Phong – sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm hàng tháng được gia đình gửi cho 3 triệu đồng, nhưng theo bạn chia sẻ “không biết xài đi đâu mà thoáng cái 2,3 tuần tiền đã hết sạch”. Không chỉ riêng Hoàng Phong mà chuyện “nhẵn túi” khi gần hết tháng là tình trạng phổ biến đối với hầu hết SV. Bạn Tín Vũ- SV ngành điện tử - cho biết: “cứ gần hết tháng là y như rằng em và mấy bạn cùng phòng đều rơi vào tình trạng “hụt hơi” kinh niên và lắm lúc rơi vào túng quẫn”.

Hầu hết các bạn trẻ đều cho rằng tính trạng “nhẵn túi” sớm đều do giá cả ngày càng leo thang, mà tiền gia đình cho thì chỉ ở mức cố định nên dẫn đến tình trạng thiếu trước hụt sau. Bạn Trúc Ly- SV ngành du lịch, nhẩm tính: Mỗi tháng gia đình chu cấp gần 4 triệu đồng nhưng nào tiền nhà trọ, tiền giáo trình, tiền chợ, tiền điện nước, tiền mua sắm lặt vặt đủ thứ. Cộng thêm cô nàng cũng thích mua sắm nên tháng nào cũng thiếu. Nhiều lúc cô nàng phải vay mượn tiền của bạn bè.

Vậy có nguyên nhân thật sự của tình trạng “cháy túi – nhẵn tiền” là gì?

Việc vật giá leo thang là điều không thể tránh khỏi, và cũng không loại bỏ việc đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến đời sống ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng việc chi qua nhiều tiền vào những việc không thật sự cần thiết, cũng như không có kế hoạch chi tiêu phù hợp, mới à nguyên nhân chính dẫn đến việc mất kiểm soát chi phí mỗi tháng.

Tình trạng tiêu xài hoang phí, xài trước tính sau, làm cho tình hình tài chính trở nên thiếu trước hụt sau. Điều này vô tình tạo nên áp lực trong cuộc sống, ảnh hưởng tâm lý, chểnh mảng công việc và học hành.

Mua sắm online ngày càng phổ biến và tiện dụng

Nguyên nhân khách quan cũng cần phải kể đến đó là sự bùng nổ của những sàn thương mại điện tử, và những tiện ích nhanh chóng trong việc thanh toán online. Nếu như trước đây, muốn tiêu tiền bạn cần phải mất một chút sức lực để đi lại, lựa chọn hàng hoá. Thì hiện nay, chỉ cần ngồi một chổ bạn gần như đã có thể “mua trọn thế giới”, chỉ bằng một cú nhấp chuột. Kết hợp với sự tiện dụng khi thanh toán online, và những phiếu giảm giá hấp dẫn, thậm chí nếu đang trong tình trạng “nhẵn túi” thì cũng có thể mua trước trả sau một cách dễ dàng, đã làm chúng ta trở nên mất tỉnh táo. Từ đó dẫn đến tình trạng tiêu tiền không tiếc tay.  “Mọi thứ em đều mua qua mạng, người ta mang hàng tới tận nơi, tiền có trong thẻ cứ thế chuyển khoản thôi. Có lẽ vì thế mà em tiêu tiền không biết xót”, một bạn trẻ cho biết.

Tầm quan trọng của việc sống tiết kiệm

Tại sao ông bà, cha mẹ chúng ta ngày xửa cũng chỉ đi làm nhưng vẫn mua được nhà cửa đất đai, lo được cho con cái. Còn chúng ta bây giờ chỉ lo cái ăn, cái mặc cho bản thân cũng đã cảm thấy ngộp thở?

Theo một số chuyên gia tâm lý, giới trẻ hiện nay thường có tâm lý hưởng thụ. Trong khi thế hệ trước, khi làm ra được đồng tiền việc đầu tiên họ nghĩ đến là phải tiết kiệm, phải để dành phòng khi ốm đau, bệnh tật… Không như thế hệ hiện tại, nhận lương là nghĩ ngay đến việc hưởng thụ như thế nào. Do vậy, họ thường không tiếc tiền chi tiêu cho những thú vui cá nhân. Cùng với việc xã hội ngày càng phát triển, nên giới trẻ có nhiều “việc” cần phải tiêu tiền hơn như: ăn uống, vui chơi, gặp gỡ bạn bè, du lịch trải nghiệm…

Việc vui chơi, hưởng thụ và trải nghiệm cuộc sống cũng là điều cần thiết và xứng đáng. Tuy nhiên, cần có kế hoạch chi tiêu cụ thể, phân loại những khoản chi cần thiết trong mỗi tháng, để cân bằng mức sống một cách phù hợp với khả năng mình nhất. Khi mua sắm, cần cân nhắc xem chúng có thật sự cần thiết hay không, số tiền ăn mỗi ngày bao nhiêu là hợp lý… cần dành bao nhiêu % lương tiết kiệm mỗi tháng, để có thể sử dụng vào những mục đích khác như: du lịch, khám chữa bệnh cho bản thân….

Việc tiết kiệm, không chỉ giúp bạn có một khoản dự phòng khi cần thiết, mà còn có thể là nguồn vốn hữu ích trong tương lai, khi bạn muốn bắt đầu thay đổi một công việc mới, hoặc thực hiện những ước mơ sau này… Và cuối cùng, trong cuộc sống người có tiền và tự chủ được kinh tế luôn là người tự tin và chiến thắng.