Trung Quốc trải qua đợt mưa lũ nghiêm trọng, trong khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên lại đang hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt.

Tân Hoa xã ngày 1.8 đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo nỗ lực toàn diện nhằm tìm kiếm, cứu hộ những người mất tích, mắc kẹt trong lũ và giảm thiểu thương vong. Chỉ đạo được đưa ra trong bối cảnh mưa lớn do ảnh hưởng của bão Doksuri tại khu vực miền bắc Trung Quốc và dọc sông Hoài, Trường Giang, gây lũ lớn ở Bắc Kinh và Hà Bắc khiến nhiều người thiệt mạng.

Hai bức tranh tương phản và khắc nghiệt ở châu Á - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hộ dùng xuồng phao ở Bắc Kinh hôm 1.8

Reuters

Đợt mưa lũ chết chóc

Đợt mưa lớn nhất trong một thập niên tại Bắc Kinh đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và 27 người mất tích, trở thành đợt mưa lũ chết chóc nhất thủ đô Trung Quốc kể từ năm 2012. Theo CNN, Bắc Kinh đã lần đầu tiên phải dùng đến một hồ chứa nước lũ kể từ khi được xây cách đây 25 năm. Hơn 52.000 người tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đã được sơ tán, sau khi mưa lớn trút xuống ngày thứ 4 liên tiếp.

Theo tờ China Daily, các quận Môn Đầu Câu và Phòng Sơn ở phía tây Bắc Kinh bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó có 2 người thiệt mạng ở một con sông tại Môn Đầu Câu vào sáng 31.7. Hơn 100 tuyến đường tại vùng đồi núi đã phải phong tỏa, hơn 4.000 công trình xây dựng tạm dừng thi công, trong khi mọi thắng cảnh và khách sạn ở vùng nông thôn phải dừng hoạt động. Gần 400 chuyến bay bị hủy và hàng trăm chuyến bay bị hoãn trong ngày 1.8 tại 2 sân bay ở Bắc Kinh, theo Reuters dẫn thông tin từ ứng dụng Flight Master.

Hai bức tranh tương phản và khắc nghiệt ở châu Á - Ảnh 2.

Một em bé bị mắc kẹt do nước lũ được cứu hộ tại Bắc Kinh hôm 1.8

Tại tỉnh Hà Bắc, chính quyền đã kích hoạt hệ thống báo động cao nhất do mưa lũ. Gần 55.000 người tại TP.Bảo Định đã được sơ tán, trong khi nước lũ làm sập một số cây cầu tại khu vực Phú Bình ở thành phố này. Tại lưu vực sông Hoài, 13 con sông đã vượt mức báo động. Cơ quan Kiểm soát lũ lụt và cứu trợ hạn hán nhà nước Trung Quốc đã nâng mức ứng phó khẩn cấp đối với lũ lụt tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây và Hà Nam. Đài CCTV đưa tin Bộ Tài chính Trung Quốc dành 110 triệu nhân dân tệ (363,5 tỉ đồng) cho công tác cứu hộ ở khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc.

Hai bức tranh tương phản và khắc nghiệt ở châu Á - Ảnh 3.

Nhiều xe hơi bị ngập tại Bắc Kinh hôm 1.8

Sốc nhiệt

Trong khi đó tại Hàn Quốc, ít nhất 17 người tử vong do nắng nóng vào cuối tuần, hầu hết là nông dân làm việc ngoài trời. Kể từ khi cảnh báo nắng nóng đưa ra vào giữa tháng 6, nhiều khu vực trên cả nước ghi nhận nhiệt độ cao quanh mức 35 độ C. 

"Bình thường mới" 

Theo bản tin đăng trên trang web LHQ ngày 1.8, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo thời tiết cực đoan trong mùa hè ở bắc bán cầu đang gây thiệt hại lớn đến sức khỏe con người và môi trường. Nhiệt độ kỷ lục đã được ghi nhận trên đất liền và trên biển, trong khi dữ liệu cho thấy tháng 7 vừa qua có thể là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Theo Tổng thư ký WMO Petteri Taalas, thời tiết khắc nghiệt ngày càng xảy ra thường xuyên, trở thành giai đoạn bình thường mới và đang tác động lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, nguồn cung cấp năng lượng và nước.

Giới khoa học dự báo tháng 8 và 9 sẽ tiếp tục là tháng nóng hơn những năm trước. Theo AP dẫn lời chuyên gia Friederike Otto tại Đại học Hoàng gia London (Anh), nhân loại đang trải qua những thay đổi chưa từng thấy về thời tiết. "Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu đóng vai trò lớn như thế nào đối với những gì chúng ta chứng kiến", bà phân tích.

Theo Yonhap, tỉnh Bắc Gyeongsang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 7 nông dân cao tuổi tử vong, trong đó có một người trên 60 tuổi bị trụy tim tại TP.Gyeongsan vào khoảng 13 giờ 30 hôm 30.7. Thân nhiệt của nạn nhân lúc đó là 39,2 độ C. Một nông dân hơn 80 tuổi cũng tử vong vào khoảng 14 giờ ngày 31.7 khi đang làm việc ngoài đồng ruộng tại TP.Mungyeong. Cơ quan chức năng cho biết các nạn nhân đều có thân nhiệt rất cao khi tử vong, do ảnh hưởng của nắng nóng. Ngoài ra, hàng trăm người bị sốc nhiệt trong vài tháng qua và số người phải nhập viện đang gia tăng.

Hai bức tranh tương phản và khắc nghiệt ở châu Á - Ảnh 5.

Công nhân xây dựng giải khát trong nắng nóng ở Seoul hôm 1.8

Yonhap

Cũng trên bán đảo Triều Tiên, tờ Rodong Sinmun ngày 1.8 đưa tin Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh nỗ lực đối phó đợt nắng nóng và gọi các biện pháp này là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bài báo khuyên người dân tránh tham gia các hoạt động ngoài trời, khi dự báo nhiệt độ có thể lên đến 37 độ C tại một số nơi trên cả nước. 

Hai bức tranh tương phản và khắc nghiệt ở châu Á - Ảnh 6.

Bảng dự báo thời tiết tại Cục Khí tượng Hàn Quốc

Korea Herald