Có khoảng 0,1 - 0,2% phụ nữ bị loạn thần sau sinh với các dấu hiệu như suy nghĩ hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác... trong quá trình chăm sóc con.
"Trước giờ chúng ta quen với điều người phụ nữ khi được làm mẹ, có con là niềm hạnh phúc rất lớn ở họ, nhưng lại quên mất rằng phía sau hạnh phúc và vai trò mới đó là những gánh nặng, áp lực rất lớn mà khi không có người đồng hành, lắng nghe, chia sẻ". Đây là chia sẻ của chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng thành phố, TP.HCM) trong bối cảnh ghi nhận thời gian gần đây có nhiều phụ nữ sau sinh bị trầm cảm, gây hại, làm bị thương chính bản thân mình, tự tử hoặc gây hại cho con trẻ. Chuyên gia tâm lý Toàn Thiện cho rằng người phụ nữ mang thai, cưu mang một sinh linh trong cơ thể và sau 9 tháng 10 ngày được sinh con ra là điều tuyệt diệu của tạo hóa. Đây là một thiên chức cao quý, nhưng đôi lúc quan niệm, cách nhìn của mọi người về thiên chức này đã tạo thành áp lực cho họ. Thông thường, vào khoảng 2-3 ngày sau sinh, người phụ nữ gặp trạng thái trầm buồn thoáng qua, và hơn nữa là buồn rầu, chán nản, suy nghĩ tiêu cực... Những biểu hiện này là ở mức độ nhẹ và nhanh kết thúc. Tuy nhiên có một số phụ nữ sau sinh (khoảng 10%) lại đối diện tình trạng này kéo dài và chuyển biến nặng dần, gọi là trầm cảm sau sinh. Có khoảng 0,1 - 0,2% phụ nữ bị loạn thần sau sinh với các dấu hiệu như suy nghĩ hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác... trong quá trình chăm sóc con. [caption id="" align="alignnone" width="664"]Mất sữa sau sinh – Nỗi niềm khó nói của các bà mẹ - Nhà thuốc Long Châu Phụ nữ sau sinh rất dễ bị trầm cảm, cần được người thân chăm sóc, yêu thương, san sẻ[/caption] Một biểu hiện cũng gặp ở phụ nữ sau sinh nhưng ít được để ý đến là rối loạn tình trạng lo âu. Người phụ nữ này thường có suy nghĩ ám ảnh như suy nghĩ bản thân làm mẹ không tốt, chăm sóc con tốt, rất sợ con mắc bệnh... dẫn đến hành vi ám ảnh là tắm rửa, kiểm tra sức khỏe cho con liên tục, lặp đi lặp lại quá mức cần thiết. Khi việc chăm sóc con trở thành áp lực, gánh nặng thì người mẹ thường chọn cách gây hại, thậm chí giết con để giải thoát. Sau đó nhiều người mẹ cũng có hành vi tự sát, dù tỉ lệ không cao nhưng đây là nỗi buồn lớn của gia đình, hồi chuông báo động xã hội cần quan tâm sức khỏe tinh thần của người phụ nữ sau sinh. BS CKII Nguyễn Thụy Minh Thư - khoa nội thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết trầm cảm thường được chia thành ba mức độ. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân tuy có triệu chứng nhưng vẫn còn khả năng sinh hoạt, lao động, học tập. Khi bệnh chuyển đến mức độ trung bình thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, lao động, học tập của bệnh nhân. Đến mức độ nặng thì người bệnh có các biểu hiện trầm buồn nhiều, giảm năng lượng (làm mọi việc đều thấy mệt mỏi), thờ ơ (không có sự thích thú với bất kỳ việc gì, không quan tâm tới bất kỳ điều gì...), không tự tin, không chú ý, luôn có cảm giác tội lỗi, rối loạn giấc ngủ, không thiết tha ăn uống (không có cảm giác thèm ăn), bi quan. Chuyên gia tâm lý Toàn Thiện lưu ý, trầm cảm sau sinh không chỉ thường thấy ở phụ nữ yếu đuối, nhạy cảm, ở một mình. Do đó người thân cần nên chú ý quan tâm, chăm sóc nếu như họ có những biểu hiện bất thường về cảm xúc, hành vi. Khi chúng ta gặp một người phụ nữ sau sinh có nét trầm buồn, lo lắng, hoảng sợ và đoán rằng họ có thể bị trầm cảm sau sinh mà trong điều kiện chưa gặp được nhà chuyên môn thì vẫn nên hỏi họ có suy nghĩ hay ý định gì, từ đó tìm hiểu họ có hại trẻ hoặc tự sát không. "Chúng tôi gặp rất nhiều phụ nữ sau sinh khi đặt câu hỏi này trong thực hành tâm lý lâm sàng thì xác nhận là có bị trầm cảm. Nếu gặp phụ nữ sau sinh xác nhận có trầm cảm thì chia sẻ với gia đình và đưa đến bệnh viện để bảo vệ cả mẹ lẫn con. Chúng ta đừng sợ điều này là "vẽ đường cho hươu chạy" vì theo nghiên cứu điều này sẽ không làm gia tăng nguy cơ người phụ nữ này tự sát hay hại con", chuyên gia tâm lý Toàn Thiện phân tích.