Lãi suất trái phiếu thả nổi khiến các chủ đầu tư điện tái tạo, vốn sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, phải đau đầu. Nhiều dự án điện gió lỗ nặng ngay trong năm đầu vận hành thương mại bất chấp giá bán điện ưu đãi.
Trong khi các nhà đầu tư điện tái tạo chuyển tiếp (không kịp vận hành thương mại nhận giá FIT) đang hụt hẫng vì khung giá phát điện Bộ Công Thương đưa ra quá thấp, các dự án điện tái tạo đã vận hành từ lâu lại vấp phải vấn đề khác.
Năm 2022, nhiều dự án điện gió lỗ nặng, theo số liệu công bố trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Các dự án đã phát hành trái phiếu nhằm tài trợ cho hoạt động đầu tư, thuộc diện phải công bố kết quả kinh doanh và tình hình tài chính.
Đáng chú ý nhất, công ty Trung Nam Đăk Lăk 1 (thuộc tập đoàn Trung Nam), vận hành dự án điện gió Ea Nam 400 MW báo lỗ 859 tỷ đồng. Hai dự án Ia Pết Đăk Đoa 1 – 2, công suất 99 MW mỗi dự án, đều báo lỗ trên 200 tỷ đồng. Dự án Yang Trung và Phước Hữu – Duyên Hải 1, đều thuộc tập đoàn T&T , lỗ lần lượt 91 tỷ đồng và 60 tỷ đồng…
Có 84 dự án điện gió, tổng công suất gần 4 GW đã kịp vận hành thương mại trước tháng 11/2021, hạn cuối để ghi nhận giá bán điện ưu đãi. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của một số đại diện trong năm 2022 tỏ ra không mấy sáng sủa.
Đặc điểm chung của các dự án điện gió thua lỗ là họ đều sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Lấy ví dụ dự án Ea Nam của Trung Nam, nợ phải trả hơn 12.100 tỷ đồng cuối năm ngoái, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu. Các dự án khác như Ia Pết Đăk Đoa 1 – 2, Yang Trung, Chơ Long, Hoà Đông 2… nợ phải trả/vốn chủ sở hữu từ 4 – 6 lần.
Đòn bẩy cao kéo theo chi phí tài chính của các dự án điện tái tạo phải chịu hàng năm không hề nhỏ.
Quay trở lại trưởng hợp của dự án Ea Nam, Trung Nam, khoảng 10.000 trên 12.000 tỷ đồng nợ của dự án này đến từ nguồn trái phiếu. Các lô trái phiếu chỉ áp dụng lãi suất cố định trong 4 kỳ trả lãi đầu tiên, mỗi kỳ kéo dài 3 tháng, sau đó thả nổi.
Kể từ nửa sau năm 2022, lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng nhanh và mạnh, điều này khiến gánh nặng chi phí tài chính cho dự án điện gió 400 MW càng tăng thêm.
CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1, vận hành dự án Ea Nam đã thanh toán tiền lãi 935 tỷ đồng trong năm 2022, chưa kể 205 tỷ đồng trả nợ gốc trái phiếu, theo báo cáo tình hình thanh toán lãi - gốc gửi lên HNX. Chi phí tài chính nặng phần nào lý giải khoản thua lỗ lớn ngay trong năm đầu vận hành thương mại.
Không đến nỗi thua lỗ nặng nề như các dự án điện gió, nhưng lợi nhuận của các dự án điện mặt trời sụt giảm mạnh trong năm qua. Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm của Trung Nam Thuận Nam, cũng là một dự án thuộc tập đoàn Trung Nam, lợi nhuận từ 402 tỷ đồng năm 2021 còn 81 tỷ đồng năm 2022. Dư nợ trái phiếu của dự án tính đến hết năm ngoái là gần 5.000 tỷ đồng, trên nợ phải trả hơn 8.900 tỷ đồng. Báo cáo ghi nhận Trung Nam Thuận Nam trả tổng cộng 566 tỷ đồng lãi trái phiếu cho các trái chủ.
Một dự án điện mặt trời lỗ nặng là Ninh Thuận Energy Industry thuộc tập đoàn T&T, số lỗ từ 23 tỷ đồng năm 2021 tăng lên 106 tỷ đồng năm 2022. Dự án này ban đầu cũng được tài trợ bằng nguồn tiền trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên giá trị trái phiếu lưu hành đã giảm gần 900 tỷ đồng trong năm 2022, nhiều khả năng do công ty tiến hành mua lại.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức cao trong năm 2023 đặt các dự án điện tái tạo sử dụng đòn bẩy cao vào thế khó. Trong khi giá mua điện ưu đãi đã được đặt cố định trong vòng 20 năm, khả năng thua lỗ của các dự án, nhất là điện gió nhiều khả năng tiếp diễn khi chí phí tài chính tăng lên. Với các dự án không được mua giá điện ưu đãi, tình huống thậm chí còn trở nên khó hơn. Đó là còn chưa kể các dự án chưa thể vận hành do vướng mắc cơ chế càng khiến chủ đầu tư sốt ruột như ngồi trên đống lửa.