Một ngày sau khai mạc, Lễ hội Tết Việt 2023 do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức thu hút hàng ngàn người đến vui chơi, chụp ảnh.
Năm nay, với chủ đề "Thành phố tôi yêu", Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 diễn ra sớm hơn so với mọi năm, tạo nên sân chơi lý tưởng cho các bạn trẻ, gia đình ngày đầu năm mới.
Trước sân Nhà Văn hóa Thanh niên trang trí hàng chục gốc mai vàng. Càng cận Tết, khách đến vui chơi càng đông đúc hơn.
Lễ hội Tết Việt là một trong những hoạt động thường niên của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM và được người dân mong chờ mỗi khi năm hết Tết đến. Hằng năm, nhiều bạn trẻ, gia đình thường diện áo dài truyền thống, áo bà ba... để chụp ảnh với không gian rực rỡ, đậm chất Tết nơi đây.
Không gian ngày tết được trang trí bằng 100 gốc mai, ngoài ra nhiều tiểu cảnh là lúa, bắp cũng được bày trí bắt mắt. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động dân gian ngày tết được tái hiện như: nặn tò he, làm tranh nghệ thuật xoắn giấy, thủ công mỹ nghệ... cũng sẽ xuất hiện tại đây, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho người dân, du khách vui chơi trong ngày Tết.
Nơi đây là địa điểm du xuân lý tưởng đầu tiên của người dân thành phố vào mỗi dịp Tết đến.
Hơn 100 gốc mai được trang trí trong không gian Lễ hội Tết Việt.
Dạo chơi chụp ảnh trong không gian tết, bạn Võ Thị Ngọc Sen cho biết: "Ở Sài gòn nhiều năm, nhưng đây là năm đầu tiên mình ghé Nhà Văn hóa Thanh niên để chụp ảnh. Tại đây, cảnh vật được trang hoàng rực rỡ, trong đó có tiểu cảnh tái hiện lại không khí làng quê làm mình cảm thấy tết đã đến thật gần."
Ngọc Sen (phải) cùng bạn chụp ảnh trong tiểu cảnh lúa và khoai.
Còn đối với anh Đinh Thanh Tùng (TP Thủ Đức), năm nay là năm đặc biệt vì gia đình anh vừa đón thêm thành viên mới.
"Hôm nay mình xin nghỉ làm để đưa vợ và con đi chụp ảnh vì mình nghĩ những ngày tới không gian sẽ rất đông. Sau một năm làm việc, được cùng người thân đi du xuân, đón tết, ghi lại những khoảnh khắc đẹp là điều mình rất mong chờ. " - Anh Tùng nói.
Gia đình anh Đinh Thanh Tùng.
Ngoài đường mai, không gian Phố ông đồ cũng thu hút nhiều người đến xin chữ.
14 năm tham gia viết chữ tại Phố ông đồ, nghệ nhân thư pháp Đào Chiến cho biết, do thời gian tết tây và tết ta gần sát nhau nên công tác chuẩn bị cho phố ông đồ có phần sớm và sôi nổi hơn mọi năm.
"Hai năm nay, mình để ý người dân hay xin chữ "sức khỏe" và" bình an". Ai ai cũng mong một năm mới an lành" - Nghệ nhân Đào Chiến chia sẻ.
Nhiều ông đồ diện áo dài, khăn đóng để viết chữ, vẽ tranh cho khách. Ngoài chữ thư pháp, các sản phẩm là bao lì xì, tranh sơn mài cũng là mặt hàng hút khách tại đây.
Từ sáng sớm đã có đông bạn trẻ đến đây tạo dáng chụp ảnh ở những tiểu cảnh.
Đa phần mọi người đều chọn áo dài truyền thống.
Đây là dịp để gia đình ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp.
Dự kiến, đến cuối tuần, Lễ hội Tết Việt sẽ đón lượng lớn khách đến tham quan, chụp ảnh.
Các tiểu cảnh được trang trí bắt mắt.
Đặc biệt, năm nay chất liệu lúa và bắp được sử dụng phổ biến trong không gian nơi đây.
Năm nay, Lễ hội Tết Việt sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 26-1 (nhằm ngày 14 tháng chạp đến mùng 5 Tết).