Nếu ví von nghề nghiệp, và môi trường làm việc chính là cha mẹ, và gia đình thứ hai của mỗi người. Thì không ai có quyền lựa chọn người sinh ra mình, nhưng nghề nghiệp thì có thể chọn. Ngôi nhà lúc nhỏ từng sống, bạn không thể rời bỏ nhưng nơi làm việc nếu không đem lại niềm vui, không còn là nơi muốn lui tới mỗi ngày. Thì hiện tại, khi đã là một người trưởng thành và tự chủ, bạn hoàn toàn có thể rời bỏ nó để đến một nơi tốt hơn.
Nghề nghiệp là thứ sẽ theo bạn cả đời, bạn buộc phải gắn bó và hiểu nó như chính bản thân mình. Nhưng trên thực tế, nhiều bạn trẻ sau khi học xong 4 năm đại học vẫn còn phân vân không biết lựa chọn của mình là đúng hay sai, cũng không xác định được bản thân thật sự phù hợp với công việc gì. Bên cảnh đó, không ít người “trưởng thành” sau vài năm gắn bó, thì mới nhận ra bản thân không phù hợp với việc mình đang làm, và không có động lực để tiếp tục.
Khi học hay theo đuổi một ngành nghề mà bản thân không hề yêu thích, thiếu đi cái chất “đam mê” thì bất cứ ai cũng không thể tập trung vào công việc đó. Làm tốt đã là một sự cố gắng, còn cống hiến là điều không thể. Hậu quả nghiệm trọng nhất của vấn đề này chính là một cuộc sống mà bạn không hề mong muốn, những vẫn buộc phải trải qua mỗi ngày. Hệ luỵ cuối mà nó mang lại, chính là tương lai của bạn không thực sự vững chắc và an toàn.
Để thành công, để chọn đúng được ngành nghề phù hợp, bạn không thể chỉ đi trên một con đường bằng phẳng và duy nhất. Trước khi chọn được một hướng đi phù hợp, đa phần mỗi người đều phải trải qua rất nhiều chuyển biến khác nhau trong sự nghiệp, thay đổi hay nhảy việc là điều không thể và cũng không nên né tránh. Vì sao lại như vậy?
1. Mỗi công việc là một trải nghiệm, và là cách rèn luyện kỹ năng hiệu quả.
Khi còn trẻ, bạn còn có nhiều sự lựa chọn, nhiều thời gian để va vấp và định hướng lại nếu không cảm thấy phù hợp. Do đó, thay vì chọn phương án an toàn, và an nhàn gắn bó với công việc hiện tại dù biết rõ nó không dành cho mình. Thì việc thay đổi môi trường nghề nghiệp sẽ đem lại cho bạn nhiều kỹ
năng mới, học hỏi thêm được nhiều điều. Từ đó, bản thân sẽ ngày càng trở nên hoàn thiện.
2. Xây dựng nhiều mối quan hệ.
Thay đổi công việc cũng là cách để bản thân có cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với nhiều mối quan hệ mới. Không ai biết trước tương lai sẽ như thế nào, nhưng đối với một người sống hoà đồng, và có nhiều mối quan hệ tốt trong cuộc sống. Thì chắc chắn rằng, trên con đường sự nghiệp, người đó sẽ không thiếu người đồng hành và hỗ trợ về sau.
Việc buộc bản thân phải hoà nhập, và thích nghi với nhiều môi trường, nhiều người khác nhau, cũng là cách rèn luyện bản thân biết lắng nghe, biết cư xử chừng mực, linh hoạt hơn trong cách hành xử.
3. Cơ hội phát triển và thăng tiến.
Đôi khi việc lặp đi, lặp lại một công việc nhàm chán nào đó sẽ làm mất đi sự hào hứng, sáng tạo và niềm vui trong công việc. Nhất là khi bạn phát hiện ra công việc đó thật sự không phù hợp, với tiêu chí mà bản thân mình mong muốn. Việc tiếp tục đi vào lối mòn đó, dễ gây ra những cảm xúc tiêu cực, khiến bản thân trì trệ. Đó là lúc bạn buộc phải thay đổi.
Việc thay đổi đột ngột một môi trường mới, công việc mới, đồng nghiệp mới, đương nhiên sẽ có chút khó khăn ban đầu. Nhưng chỉ cần bạn chăm chỉ, có tinh thần cầu tiến thì sẽ dễ dàng kích thích lại được năng lượng làm việc. Tinh thần làm việc tốt sẽ giúp bạn phát huy được khả năng và triển vọng công việc trong tương lai.
4. Thay đổi để hiểu bản thân mình hơn.
Như đã nói ở trên, bạn cần phải hiểu nghề nghiệp mà mình chọn như chính bản thân, thì mới có thể gắn bó lâu dài. Vì vậy, nếu không có được may mắn chọn đúng lần 1, lần 2… thì dù cho đó là lần thứ N, bạn vẫn phải lựa chọn.
Thay đổi công việc chính là cách duy nhất để bạn tự hiểu và tìm ra điểm mạnh, yếu của bản thân. Từ đó, đưa ra sự lựa chọn sáng suốt và phù hợp nhất cho tương lai. Đừng bó buộc bản thân trong bốn bức tường quen thuộc, mà hãy mạnh dạn bứt phá tìm kiếm cơ hội, bến đỗ phù hợp nhất cho bản thân mình.
5. Tìm kiếm mức thu nhập tốt hơn.
Sau mỗi lần thay đổi công việc, bản thân bạn phải tự đúc kết và trang bị cho mình được nhiều kinh nghiệm hơn, tự nâng tầm giá trị bản thân trong mắt những nhà tuyển dụng. Kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm làm việc dày dặn, chịu được áp lực và có thể đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau của công việc, sẽ cho bạn sự tự tin để có được mức thu nhập như mong muốn.
Tóm lại, khi bạn chọn đúng nghề phù hợp và gắn bó với nó, thì sẽ giúp bạn dễ dàng phát huy được khả năng và tố chất trong sự nghiệp. Khi bạn chọn đúng nghề nỗi lo cơm – áo – gạo – tiền sẽ chỉ là một phần rất nhỏ, nghề nghiệp chính là cầu nối giúp bạn chạm đến được những ước mơ, những mục tiêu khác. Và cuối cùng, khi bạn chọn đúng nghề thì mỗi ngày đến công ty sẽ như về nhà, và công việc giống như một người bạn trung thành, gắn bó tận tuỵ, hỗ trợ chúng ta tận hưởng cuộc sống.
Vân Anh