Con cái luôn là “báu vật” của cha mẹ, không có gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy nụ cười và niềm vui của con trẻ. Do đó, nhiều bậc cha mẹ thường chọn cách “nuông chiều” để nuôi nấng con mình. Điều này có thật sự tốt cho con bạn hay không?
Trẻ em như một trang giấy trắng, tính cách là phần nền còn cách trẻ hành động, từng lời ăn tiếng nói, đều là những nét bút được tô vẽ thêm từ cha mẹ, ông bà… nét vẽ có đẹp hay không, tuỳ thuộc vào cách vẽ đúng hay sai.
Thực tế chúng ta dễ dàng bắt gặp đâu đó những câu chuyện đáng buồn, được lan truyền trên mạng xã hội. Như cô gái bị một em bé làm đổ nước vào laptop ở quán cà phê Highland, chú mèo nhỏ Golden bị trẻ nhỏ giẫm đạp ngày mùng 2 Tết… Nhưng cái kết của những hành động đáng chê trách ấy luôn là câu “con nít biết gì đâu”.
Vậy liệu có thật sự con nít không biết gì hay không? Trang giấy trắng đã được tô vẽ thì sao có thể còn gọi là “trắng”. Trẻ em hành động theo bản năng, tư duy đúng hay sai đều phải chờ người lớn bảo ban, định hình. Do đó, khi con trẻ làm một việc gì không đúng chúng cần sự chỉ dạy từ cha mẹ mình, cần được học cách tự chịu trách nhiệm cho những việc do bản thân mình gây ra. Chứ không phải là sự bao bọc, nuông chiều thái quá được bao biện bằng một câu nói thiếu trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ… những người đầy đủ tư duy và nhận thức.
Thật sự mỗi đứa trẻ đều rất thông minh, đều biết cách nắm bắt tâm lý. Nhưng với tầm hiểu biết non nớt của mình, chúng chỉ biết làm theo những điều mà bản thân cảm thấy vui, cảm thấy hào hứng, cảm thấy như vậy sẽ có được điều mình muốn từ ba mẹ. Cháu tôi, một đứa trẻ 4 tuổi bụ bẫm dễ thương, bất cứ ai khi gặp bé cũng sẽ “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”. Tuy nhiên, vì là con một, được ông bà, ba mẹ nuông chiều nên biểu hiện của bé làm tôi cảm thấy “sợ”. Chỉ vì không được uống món mà mình yêu thích, bé lộ rõ vẻ mặt khó chịu, tay nắm chặt, không ngừng gào khóc. Khi tôi hỏi có phải bé làm vậy để “hành” mẹ hay không? bé trả lời “phải”. Vậy bé có thật sự “biết gì đâu”, theo cách người lớn nghĩ?
Có chăng, điều chúng thật sự không biết đó là việc mình làm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào, và chúng đang tự tạo nên cho mình một nhân cách không mấy đẹp đẽ khi trưởng thành ra sao. Dẫu biết, việc nuôi dạy và định hình tâm tính cho một đứa trẻ là không hề đơn giản. Nhưng chí ít, đừng để con trẻ học phải những thói hư tật xấu từ gia đình, đừng để sự non nớt của trẻ bị vướng phải những định hướng tâm lý sai lầm, từ sự bao bọc thái quá của những bậc làm cha, làm mẹ.
Lấy ví dụ từ sự việc chú mèo Golden bị trẻ nhỏ giẫm đạp ngày mùng 2 Tết. Dù người mẹ đã bắt con phải xin lỗi, nhưng ba bé vẫn thể hiện sự ngang ngược, cố chấp qua những câu nói: “chỉ con mèo thôi mà cũng đem đi cấp cứu”, “con nít thì biết gì”… thậm chí còn trách móc việc người nhà chú mèo bắt con anh phải xin lỗi. Liệu bậc làm cha ấy có tự ý thức được việc mình đang làm sẽ nguy hại như thế nào đối với con trẻ hay không? Sự du di cho những hành động sai trái lúc nhỏ, chính là mối nguy cơ tiềm tàng cho việc hình thành nhân cách lệch lạc trong tư duy, của trẻ nhỏ sau này. Chúng không nghĩ việc làm của mình là sai, không học được cách phải biết yêu thương và trân trọng mạng sống của những loài vật, hay bất cứ ai khác. Nên việc gây ra những sự việc có tính chất nghiêm trọng hơn, khi trưởng thành là hoàn toàn có thể xảy ra.
Khi còn nhỏ, những đứa trẻ được nuông chiều, thiếu tính tự lập, thích mèo nheo… sẽ khiến ba mẹ thật sự “đau đầu” mệt mỏi. Cũng không ít những trường hợp gia đình lục đục, chỉ vì bất đồng quan điểm trong cách nuôi dạy con, hay cảm thấy stress vì sự quấy khóc của con trẻ. Dần trưởng thành, những đứa trẻ ấy sẽ thiếu đi sự độc lập, thiếu ý thức, sự tự giác, và nhận thức sai lệch về nhiều vấn đề khác nhau... Đây đều là những vấn đề mấu chốt cần phải có, để một người trưởng thành có thể hoà nhập tốt với cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Đó có phải là điều những bậc phụ huynh mong muốn ở con mình mai sau hay không? Đừng tự biến con mình thành một đứa trẻ hư, đừng để tình thương đối với con trẻ phải khiến bản thân hối hận.