Phục hồi chức năng sau đột quỵ là việc làm cấp bách. Nếu áp dụng đúng phương pháp sẽ giúp người bệnh khôi phục chức năng vốn có, sớm quay trở lại cuộc sống bình thường
Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM vừa cứu sống kịp thời bệnh nhân N.T.L (46 tuổi, ngụ quận Tân Phú), có tiền sử cao huyết áp do di truyền và phải điều trị bằng thuốc trong nhiều năm. Trước khi nhập viện, ông L. đột ngột bị méo mặt, nói đớ.
Cảnh báo nhóm có nguy cơ cao
Bệnh nhân L. được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện và được can thiệp khẩn cấp trong vòng 20 phút. May mắn, ông L. phục hồi nhanh và tiếp tục được theo dõi để phục hồi chức năng và phòng ngừa đột quỵ tái phát.
TS-BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM - cho biết huyết áp cao là yếu tố hàng đầu dẫn đến tình trạng đột quỵ. Theo thống kê, khoảng 77% trường hợp đột quỵ lần đầu liên quan đến tăng huyết áp. Nếu kiểm soát tốt huyết áp, nguy cơ đột quỵ có thể giảm 35%- 40%.
Các bệnh về tim cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Rung nhĩ là bệnh lý tim mạch có nguy cơ gây đột quỵ cao nhất, chiếm khoảng 50% số ca bệnh. Ngoài ra, còn có hẹp van tim, suy tim, van cơ học, nhồi máu cơ tim. Người bệnh đột quỵ do các bệnh lý tim mạch có nguy cơ tái phát đột quỵ cao. Tuân thủ điều trị và xây dựng kế hoạch dự phòng từ sớm chính là chìa khóa để ngăn ngừa tình trạng này.
[caption id="attachment_2865" align="aligncenter" width="540"] Một bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM[/caption]
Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường cũng nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ đột quỵ tăng cao, gấp 2 - 6 lần so với người bệnh thông thường.
BSCK2 Nguyễn Đức Thành, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện ĐH Y Dược, khuyến cáo nguy cơ đột quỵ cũng có thể bắt nguồn từ lối sống sinh hoạt kém lành mạnh, hút thuốc lá nhiều, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống nhiều đường, dầu mỡ, cay nóng hoặc thói quen ít vận động, tình trạng căng thẳng kéo dài... Đó cũng là lý do tại sao người bệnh đột quỵ ngày càng "trẻ hóa".
Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ cũng như ngăn ngừa tái phát, người bệnh cần tuân thủ điều trị bệnh lý nền, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ do lối sống và tham gia các buổi phục hồi chức năng.
Điều trị phục hồi càng sớm càng tốt
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân bị tai biến, tai nạn giao thông... được hướng dẫn trị liệu phục hồi chức năng. Các lớp trị liệu nơi đây đã duy trì hơn 20 năm qua.
Theo BSCK2 Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Chợ Rẫy, vật lý trị liệu là phương pháp không dùng thuốc mà sử dụng lực cơ học, chuyển động và các liệu pháp thủ công, liệu pháp tập thể dục, liệu pháp điện cùng các kỹ thuật vật lý như xoa bóp, thủy trị liệu, điện trị liệu, nhiệt trị liệu, laser trị liệu... nhằm điều trị, phục hồi chức năng vận động cho người bệnh. Các bài tập được chọn lọc từ những quốc gia có kinh nghiệm thực hành kỹ thuật mới trong phục hồi chức năng như Mỹ, Nhật, Úc và một số nước châu Âu.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Thành, việc phục hồi chức năng cho người bệnh cần được thực hiện sớm nhất có thể, đều đặn và kéo dài nhiều năm. Tùy vào thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp các phương pháp gồm: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, sử dụng các dụng cụ trợ giúp và huấn luyện người bệnh tự chăm sóc bản thân.
Việc phục hồi chức năng không chỉ giúp người bệnh thích nghi với những trở ngại do các di chứng sau đột quỵ, dần quay trở lại cuộc sống bình thường, phòng ngừa các biến chứng mà còn đề cao vai trò của người thân trong việc hỗ trợ, đồng hành và động viên người bệnh.
Phục hồi chức năng ở người bệnh đột quỵ nên được tiến hành càng sớm càng tốt. 6 tháng đầu sau cơn đột quỵ được xem là "khoảng thời gian vàng" của quá trình phục hồi. Tùy thuộc vào những chuyển biến của người bệnh mà quá trình này có thể kéo dài trong vài tháng, vài năm, thậm chí là cả cuộc đời.
Theo BSCK2 Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhân Dân 115, vật lý trị liệu là liệu trình bắt buộc cho tất cả bệnh nhân sau đột quỵ. Tổn thương hay gặp nhất ở người đột quỵ là mất chức năng vận động, khiến bệnh nhân bị liệt, các động tác không thực hiện được. Ngoài ra, những tổn thương khác có thể gặp như tổn thương về ngôn ngữ, nuốt, rối loạn về tâm lý... Vì vậy, ngoài quan tâm phục hồi chức năng vận động, cần quan tâm nhiều đến ngữ âm trị liệu, chức năng nuốt, nói... để người bệnh phục hồi hoàn thiện hơn.
Theo Báo Người lao động