Những ngày này, làng khô ấp Cảng của xứ biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) nhộn nhịp làm ra sản phẩm để kịp cung cấp cho thị trường Tết. Không riêng Sóc Trăng, các làng khô ở Kiên Giang, Bạc Liêu cũng đang tất bật chuẩn bị hàng trăm tấn cá khô cho ra thị trường...
Đến làng nghề làm cá khô ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) vào những ngày này, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí lao động hối hả của người dân nơi xứ biển.
Nghề làm cá khô ở cửa biển Trần Đề diễn ra quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào những tháng cuối năm, bởi thời điểm này nhu cầu tiêu thụ tăng cao và sản phẩm của người dân lại được giá trên thị trường.
Nơi đây chuyên cung cấp các loại cá khô đặc sản, như: Cá đuối đen, cá khoai, cá lù đù, lưỡi trâu, tép xẻ. Ngoài ra còn có nhiều loại khô lạt, tẩm vị và một nắng như cá đuối, cá dứa, mực…
Các loại cá khô ở đây có giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/kg, thậm chí 4 - 5 triệu đồng/kg, khách hàng dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu.
Chủ cơ sở khô Nguyệt Thanh (ấp Cảng, thị trấn Trần Đề) cho hay: "Cửa hàng tôi có trên 80 sản phẩm cá khô các loại, bán sỉ - lẻ cho các chợ trong và ngoài tỉnh. Năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên tình hình buôn bán không được thuận lợi, chủ yếu bán online. Năm nay, gia đình tôi đã chuẩn bị cá khô các loại từ hơn 1 tháng trước để đảm bảo cung ứng cho thị trường Tết".
Ngoài việc phục vụ cho thị trường trong tỉnh, làng khô Trần Đề còn phục vụ cho nhu cầu của người dân các tỉnh, thành lân cận như Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, nhất là thị trường TP. HCM.
Hơn 20 năm trong nghề, bà Lê Thị Kim Nga (50 tuổi, người dân ấp Cảng) cho biết, người dân xứ biển làm cá khô quanh năm, nhưng tập trung nhiều vào vụ Tết, nhờ đó thu nhập của bà con nơi đây được cải thiện.
Hầu hết những sản phẩm cá khô ở thị trấn Trần Đề đều được làm thủ công và phơi trực tiếp dưới ánh nắng. Ngoài ra, để giữ uy tín trên thị trường, các hộ tại đây luôn chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các công đoạn, từ việc chế biến đến phơi khô nhằm cung cấp cho thị trường những mặt hàng khô chất lượng với giá cả phải chăng, nên được khách hàng đánh giá cao.
Theo UBND thị trấn Trần Đề, hiện nay, địa phương có trên 400 tàu đánh bắt thủy sản (325 tàu khai thác xa bờ, 13 chiếc hậu cần, 62 đánh bắt gần bờ). Sản lượng khai thác hàng năm của thị trấn trên 40.000 tấn (tôm, cá). Cá khô chủ yếu cung cấp cho tỉnh miền Tây. Đặc biệt, phục vụ lượng du khách ghé mua hàng khi đi du lịch về từ tuyến tàu Côn Đảo-Trần Đề.
"Thị trấn có trên 14 hộ mua bán khô các loại, trong đó có nhiều gia đình đã gắn bó lâu năm với nghề làm cá khô và xem đây là nguồn thu nhập chính. Nhờ duy trì và phát triển nghề mà thời gian qua nhiều hộ gia đình tại đây có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả. Bên cạnh đó, nghề làm cá khô còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương", đại diện UBND thị trấn Trần Đề cho hay.
Tại Kiên Giang, chị Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, ở xã Đông Phong, huyện Vĩnh Thuận, cho biết, doanh nghiệp đang chạy đua hoàn thành một số đơn hàng tôm khô, cá lóc để kịp giao cho khách ở TPHCM. Hàng năm, HTX cung ứng ra thị trường trên dưới 8 tấn tôm khô. Các loại khô cá lóc, sặc bổi, dao động từ 7- 8 tấn