Một khu vườn tại gia xanh mướt rau sạch, đang là niềm mơ ước của nhiều gia đình sống ở khu đô thị. Nếu bạn cũng nằm trong số đó thì hãy bỏ túi vài “mẹo” nhỏ dưới đây, để biến ước mơ thành hiện thực một cách dễ dàng.
Trồng rau tại nhà không chỉ đơn giản là gieo giống và thu hoạch. Bởi trong quá trình trồng sẽ phát sinh nhiều vấn đề, mà nếu không nắm được kỹ thuật bạn sẽ cảm thấy hoang mang. Ngoài những vật dụng cơ bản để trồng rau như: khay trồng, thùng xốp, hạt giống tốt… và một không gian hợp lý, đủ ánh sáng, thì cần tham khảo thêm những kinh nghiệm cơ bản dưới đây để thành công.
Chọn đất trồng phù hợp
Trong điều kiện hạn chế diện tích trồng, và môi trường không hoàn toàn thuần tự nhiên thì đất là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển và dinh dưỡng của rau xanh. Vì vậy, cần phải lựa chọn kỹ trước khi quyết định sử dụng. Để rau phát triển nhanh và tươi tốt thì cần chọn đất phù hợp với từng loại rau mà bạn muốn trồng.
Việc không tìm hiểu mà chỉ tận dụng những loại đất có sẵn để trồng, có thể đem lại một kết quả không như mong đợi. Rau là loài có bộ rễ mềm và mọc cạn, vì vậy chúng chỉ thích hợp trồng bằng những loại đất tơi xốp, giữ ẩm tốt, giàu dưỡng chất. Nếu đất bị chai cứng, thì rau sẽ không phát triển được, hoặc phát triển còi cọc.
Những loại đất thích hợp để trồng rau sạch tại nhà là: đất thịt, đất vườn, đất pha cát, đất phù sa. Nếu không chắc chắn, và để tiện lợi nhất bạn có thể mua đất tại các cửa hàng, nhân viên sẽ tư vấn loại đất phù hợp cho loại rau mà bạn muốn trồng. Những loại đất này thường đã được pha trộn sẵn, chứa nhiều dưỡng chất cho cây và có thể dùng trong một thời gian mà không cần phải bón phân.
Nếu cần bổ sung chất dinh dưỡng nhưng không muốn dùng những loại phân vô cơ, thì bạn có thể tận dụng những rác thải hữu cơ trong gia đình để ủ thành phân bón cho cây trồng. Điều này vừa giúp cây phát triểu tốt, vừa giúp duy trì được chất lượng đất trong thời gian dài, để tận dụng được lâu hơn.
Chọn giống và ngâm ủ hạt trước khi trồng.
Khi bắt đầu, bạn nên chọn những loại đơn giản để trồng thử nghiệm trước, như: rau thơm, rau mồng tơi, hành, hẹ… đây là những loại rau dễ mọc, dễ trồng nên dùng chúng để “tích luỹ” kinh nghiệm, kỹ thuật rất phù hợp.
Một số loại rau có thể phát triển từ nhánh, cành có sẵn mà không cần gieo hạt. Đối với loại này việc trồng chúng khá đơn giản, chỉ cần chọn những nhánh rau đẹp, to, khoẻ để cẳm xuống đất. Sau khi được tưới tiêu phù hợp, nhánh rau sẽ tự mọc rễ và phát triển như cây bình thường, có thể cho thu hoạch sau thời gian ngắn.
Hiện nay, hạt giống các loại rau được bán rất nhiều trên thị trường, hầu hết đây đều là những hạt giống khoẻ đã được sử lý và sàng lọc. Ngoài việc chú ý đến hạn sử dụng trên bao bì, thì những hạt giống này cũng vẫn cần được ngâm khoảng từ 6 đến 10 tiếng, sau đó ủ trong khăn ẩm thêm 1-2 ngày tuỳ loại rau. Sau khi thấy hạt vừa nứt vỏ thì mới bắt đầu gieo vào đất, đây là biện pháp đảm bảo tỉ lệ nảy nầm tốt nhất cho rau.
Kinh nghiệm tưới nước cho rau.
Rau là loài ưa nước, và cần độ ẩm cao nên trong những ngày nắng nóng cần tưới nước 2 lần/ngày, và tưới sâu 1-3 lần/tuần để giúp rễ rau phát triển sâu xuống đất, dễ hấp thụ nước và chất dinh dưỡng. Thời điểm tốt nhất là vào sáng sớm và chiều dịu nắng. Giai đoạn rau mới mọc mầm hay vừa sang chậu còn yếu thì cần che chắn, tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp sẽ gây héo lá.
Tuy nhiên rau cũng không chịu được ngập úng, nên trong những ngày thời tiết mưa bão kéo dài, cần ngăn không để nước mưa rơi trực tiếp xuống rau để tránh tình trạng dập lá, úng rễ hay nhiễm bệnh.
Chọn vị trí phù hợp
Rau cũng như các loại cây trồng khác, ngoài đất thì yếu tố để giúp chúng phát triển tốt chính là ánh sáng và nước.
- Ánh sáng: rau cần nơi đầy đủ ánh sáng, cần được hấp thụ ánh sáng mặt trời ít nhất 6 tiếng/ ngày để đủ điều kiện trao đổi chất và phát triển. Nếu ở nơi thiếu sáng, rau sẽ phát triển chậm và màu lá không xanh mướt.
- Nguồn nước: Chọn vị trí thuận tiện cho việc tươi tiêu mỗi ngày sẽ giúp rau phát triển tốt. Cũng như tiết kiệm thời gian, công sức cho người trồng.
Thu hoạch rau đúng cách.
Đối với những loại rau có thể thu hoạch nhiều lần như: mồng tơi, rau muống, các loại rau thơm… khi thu hoạch cần chú ý dùng dụng cụ bén, sắc để cắt tỉa. Tránh làm tổn thương, hay dập thân rau, như vậy rau sẽ khó cho ra nhánh mới.
Đối với những loại rau thu hoạch một lần như: rau cải, rau xà lách.. trong quá trình gieo hạt không nên gieo quá dày, và sẽ thu hoạch bằng cách nhổ cả cây, tỉa thưa dần vườn rau. Như vậy sẽ giúp những cây còn lại phát triển tốt, đảm bảo dinh dưỡng trong đất cho rau.
Tái sử dụng đất trồng rau.
Đất trồng rau có thể tái sử dụng nhiều lần nếu xử lý đúng cách. Đất trồng sau khi thu hoạch cần được làm sạch rễ, và phần rau còn sót lại, phơi nắng từ 4 đến 5 ngày để triệt mầm bệnh. Sau đó, trộn thêm một ít đất dinh dưỡng hoặc trùn quế với tỉ lệ 1:1, là đã có thể trồng lại lứa mới.
Ngoài những “mẹo” trên, thì trong quá trình trồng cần thường xuyên chú ý, quan sát vườn rau mỗi ngày. Điều này sẽ giúp sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường ở cây rau như: vàng úa lá, sâu bệnh, úng rễ, … để có những biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời cho vườn rau sạch của bạn.