Mua sắm trực tuyến đã và đang ngày càng trở nên phổ biến, hiện trạng “Người bán tấp nập – người mua nhấp chuột” đang trở thành xu hướng tiện lợi, bắt nhịp nhanh chóng với thời đại công nghệ hiện nay.

Cụm từ “mua sắm trực tuyến” hay với tên gọi quen thuộc khác là “mua hàng online”, là một dạng thương mại điện tử cho phép khách hàng mua hoặc bán hàng hoá thông qua mạng internet, sử dụng trình duyệt web làm công cụ. Từ năm 2016, nhiều trang thương mại điện tử bắt đầu hoạt động nhộn nhịp, khách hàng cũng dần tiếp cận dễ dàng hơn với loại hình mua bán này khi thời đại của máy tính bảng, điện thoại thông minh dần lên ngôi và trở thành vật bất ly thân của nhiều người.

 

Ở điểm khởi đầu, mua sắm online gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi thói quen mua sắm, trải nghiệm thực tế vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Người mua hàng vẫn giữ hành vi mua sắm đến tận nơi, cầm tận tay, lựa từng món hàng theo sở thích rồi mới yên tâm “bỏ hầu bao” như một thói quen ăn sâu vào tiềm thức, là nguyên nhân chính dẫn đến điều nêu trên.

Bản thân người bán cũng còn nhiều thiếu sót và hạn chế. Việc không chú trọng hình thức, không đầu tư hình ảnh cho sản phẩm, dịch vụ tư vấn và chăm sóc khách hàng yếu, chưa có kinh nghiệm và thiếu kỹ năng. Làm cho người mua cảm thấy không an toàn và thiếu sự tin tưởng từ sản phẩm cho đến nơi bán. Phải kể đến nhất là tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”, khiến người mua biết bao lần khốn đốn, hụt hẫng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây mua sắm online ở Việt Nam ngày càng trở nên thông dụng và phổ biến một cách nhanh chóng. Rất nhiều dự báo cũng như tình trạng thực tế đều chỉ ra rằng xu hướng tiêu dùng này vẫn sẽ tiếp tục đươc ưa chuộng và nhân rộng. Sự bùng nổ của nhiều trang thương mại điện tử chính thống, làm việc theo quy trình quản lý hàng hoá tiêu chuẩn và nhiều chính sách bảo vệ người tiêu dùng được chú trọng, đã giúp việc mua sắm online ngày càng nhận được sự ưu ái. Thay vì phải bỏ thời gian và công sức để “lượn lờ”, thì nhiều người đã dần chuyển sang mua sắm online, với tâm lý yên tâm và cảm thấy hữu ích hơn.

Nếu như trước kia, chỉ một phần nhỏ giới trẻ quan tâm, tham gia vào việc mua sắm trực tuyến. Và những sản phẩm được mua thường có tính “an toàn” như: quần áo, phụ kiện, đồ trang trí… thì hiện tại các mặt hàng như: đồ điện tử, nội thất, thực phẩm, hoá mỹ phẩm.. cũng đang gia tăng một cách nhanh chóng, cùng với đó là sự mở rộng về đối tượng người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi. Bởi nhiều người dần nhận ra hình thức mua sắm này là một lựa chọn, và giải pháp vô cùng hữu ích, tiện lợi ở thời điểm hiện tại.  

Đứng trước thực tế đó, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều buộc phải thay đổi, phải thích ứng để có thể tồn tại và phát triển. Hầu hết mọi sản phẩm có thể “mua” đều được “bán”  trên mạng, xu hướng “đến tận nơi – cầm tận tay” đang dần được thay thế bằng “kiếm từng trang – soi từng giá”. Tức người tiêu dùng đang chuyển dần sang thói quen chỉ cần ngồi một chổ để tìm kiếm thông tin, so sánh mức giá, tìm hiểu mức độ tin cậy của nơi bán hàng.. và sau đó là “chốt đơn”. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh công bằng, trên một sân chơi mới cho mọi doanh nghiệp.

Đầu tư lớn vào các hoạt động marketing, chỉnh chu về mặt hình ảnh quảng cáo, cùng nhiều chương trình khuyến mãi “khủng” được thiết lập thường xuyên theo từng chu kỳ ,và thời điểm “hot” trong năm. Không thể phủ nhận, những ứng dụng mua sắm trực tuyến như: Lazada, Shopee, Kiti… đã tạo nên một bước ngoặt mới cho việc mua sắm online. Ngoài việc tiết kiệm thời gian, công sức, được mua sắm với giá rẻ còn miễn phí vận chuyển, thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là khách hàng cảm thấy yên tâm khi quyền lợi của mình được đảm bảo từ một bên thứ 3 uy tín.

Ngoài những doanh nghiệp lớn, những ứng dụng có tên tuổi thì người bán hàng online nhỏ lẻ cũng đã bắt đầu chú trọng hơn đến việc kinh doanh hình thức này một cách nghiêm túc. Họ bắt nhịp theo xu hướng một cách mạnh mẽ, tận dụng các ứng dụng xã hội như facebook, tiktok… để tự tạo dựng thương hiệu, buộc khách hàng phải tìm đến mình bằng nhiều cách thức ấn tượng khác nhau, thông qua các trang ứng dụng đó. Đặc biệt, hiện nay thói quen dùng mạng xã hội và xem video trực tuyến cũng đã có sự tác động đáng kể vào hành vi mua sắm online của nhiều người.

Đi đôi với việc phát triển các kênh mua sắm, thì hiện tại các phương thức thanh toán trực tuyến đang dần được đẩy mạnh và hoàn thiện. Cả hai chính là sự kết hợp hoàn hảo giúp người tiêu dùng có những trải nghiệm thoải mái, tiện ích nhất.

Nếu cách đây khoảng 5 năm, bạn nhìn những người mua sắm online với thái độ e dè lạ lẫm, thì hiện tại bạn sẽ dễ trở thành một người “khác lạ” nếu chỉ giữ mãi duy nhất một thói quen mua sắm truyền thống. Lạ ở đây không phải bạn sai hay đơn thuần chỉ là “khác lạ” so với mọi người theo đúng nghĩa đen. Mà “lạ” ở chổ tại sao bạn lại chọn cho mình một con đường mòn, một lối đi cũ, khi biết rõ nó sẽ khiến bạn tốn nhiều thời gian, mất nhiều công sức và có thể là nhiều tiền của hơn so với mọi người? Nếu nằm trong số đó, đã đến lúc bạn cần phải thay đổi.