67/69 là vị trí của TPHCM trên bảng xếp hạng điều kiện và mật độ nhà vệ sinh công cộng, tính trên đơn vị km2 của các thành phố du lịch, do tờ báo Nikkei Nhật Bản bình chọn hồi tháng 1/2023. Một kết quả đáng buồn nhưng không quá ngạc nhiên.
Theo thống kê, hiện nay TPHCM có trên 200 nhà vệ sinh công cộng, trong khi dân số vào khoảng 10 triệu người. Đây là một tỉ lệ quá chênh lệch về mật độ nhà vệ sinh và nhu cầu của người dân. Số lượng ít ỏi đó cũng được phân bổ không đồng đều, chủ yếu chỉ nằm rải rác ở những quận trung tâm. Ngoài việc phục vụ khách du lịch, thì nhà vệ sinh công cộng trước hết phải là nơi phục vụ nhu cầu của người dân TPHCM. Tuy nhiên, đa phần người dân đều gặp khó khăn để tìm ra một nhà vệ sinh cộng cộng, và nếu may mắn tìm được thì cũng thật sự ngán ngẫm.
“Cung không đủ cầu” là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhếch nhác của các nhà vệ sinh công cộng ở thành phố. Tuy nhiên, tình trạng “một người dọn, vạn người bày” cũng là nguyên nhân buộc phải nhìn nhận, dẫn đến tình trạng nhiều nhà vệ sinh công cộng đang bị xuống cấp trầm trọng, hoặc sử dụng ngoài mục đích.
Theo chia sẻ của một nữ nhân viên chăm nom nhà vệ sinh cộng cộng: “Khu vực nhà vệ sinh mỗi ngày đều có rất đông người qua lại và sử dụng. Tôi cùng một người nữa thay nhau quét dọn, tẩy rửa, xịt sàn thường xuyên nhưng không xuể, vì có nhiều người sử dụng thiếu ý thức. Tình trạng đi vệ sinh xong không xả nước xảy ra thường xuyên, giấy vệ sinh quăng khắp nơi trên sàn nhà, thậm chí phóng uế ngoài khu vực, chúng tôi dọn dẹp rất vất vả”.
Không chỉ vậy, tình trạng “trộm vặt” ở những nhà vệ sinh công cộng cũng là vấn nạn lâu nay. Việc mất bóng đèn, vòi xịt, hay bất cứ thứ gì có thể đem bán là việc không lấy làm lạ. Điều đó khiến cho nhà vệ sinh công cộng xuống cấp một cách nhanh chóng, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào sử dụng.
Chỉ cần hỏi 100 người bất kỳ ở TPHCM, thì sẽ nhận về khoảng 98% câu trả lời tương tự nhau. Họ sẽ trả lời theo hướng rất sợ, rất ám ảnh, chỉ dùng khi bắt buộc. Kèm theo đó, là những lời chê bai về nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, trong số 100 người được hỏi, thì có bao nhiêu người đủ tự tin, mạnh dạn khẳng định bản thân mình đã sử dụng nhà vệ sinh công cộng một cách có ý thức, như khi ở nhà của mình. Hay thậm chí, chúng ta còn dễ dàng bắt gặp cảnh người dân sẵn sàng giải quyết nhu cầu cá nhân khi chỉ cách nhà vệ sinh công cộng vài bước chân.
Nhà vệ sinh công cộng được sinh ra với chức năng phục vụ nhu cầu tế nhị và thiết yếu của mỗi người. Nó không tự sinh ra, nên cũng không thể tự nhiên xuống cấp, càng không thể tự nhiên lại bốc mùi ẩm thấp, hôi hám. Bản chất nơi đó vốn là nơi “vệ sinh”, nhưng lại bị chính những người sử dụng làm nó “mất vệ sinh”. Và hậu quả là hầu hết mọi người đang phải chịu đựng sự ám ảnh do chính mình gây ra, cho nhu cầu thiết yếu của bản thân ở những nơi công cộng.
Dù bản chất là “công trình phụ”, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng, trong quá trình hội nhập, phát triển của xã hội, khi đời sống của người dân ngày càng mong muốn được nâng cao. Ngoài việc cần nhiều sự quan tâm hơn từ các cấp, ngành trong việc xây dựng, mở rộng hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Thì một lần nữa, bài toán “ý thức của người dân” lại buộc phải nhắc đến.
Bất cứ ai cũng dễ dàng nhìn nhận thực tế vấn đề, nhưng lại có rất ít cá nhân chịu thay đổi để khắc phục tình trạng đó. Thực tế, việc giáo dục ý thức cơ bản cho người dân ngay từ lúc nhỏ, là điều quan trọng và cần thiết nhất. Tuy nhiên, nếu thiếu sự tự giác thì việc răn đe mạnh mẽ từ phía pháp luật là điều cần thiết, để vấn đề này không còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của TPHCM nói riêng, và đất nước Việt Nam nói chung.