Ngày nay các sản phẩm về thuốc lá điện tử mới xuất hiện ngày càng nhiều, đáng báo động hơn là những chất kích thích, chất gây nghiện này len lỏi vào môi trường học đường gây hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến hành vi của các học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Gần đây tại trường THPT Hà Đông nhiều học sinh phải nhập viện cấp cứu vì sử dụng thuốc lá điện tử. Các học sinh này có biểu hiện buồn nôn, chóng mặt, mệt, nóng trong người sau khi hút và uống chai nước có nhỏ 2 giọt tinh dầu của thuốc lá điện tử.

Trước đó, một nữ sinh 14 tuổi ở Lạng Sơn cũng lên cơn co giật, mất ý thức, hôn mê và được đưa đi cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử cùng nhóm bạn. Bác sĩ sau đó chẩn đoán, bệnh nhân bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại, theo dõi ngộ độc nicotine.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỉ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đã gia tăng đáng kể, từ 2,6% năm 2019 lên 3,5% năm 2022.
Thuốc lá điện tử là gì?

Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người hút có thể hít vào phổi.

Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch – loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Một số đối tượng xấu cũng có thể cho một số thành phần chất ma túy dưới dạng chất lỏng vào trong thuốc lá điện tử để tăng cảm giác của người dùng, gây hại rất nhiều đến lứa tuổi học sinh.

Thuốc lá điện tử có rất nhiều hình dạng khác nhau

Thuốc lá điện tử xuất hiện với nhiều kiểu dạng khác nhau như hình cây bút, hình hộp chữ nhật, hình thỏi son,…và tạo ra nhiều hương thơm trái cây hấp dẫn lôi kéo lứa tuổi học sinh, đặc biệt đây là độ tuổi thích khám phá những cái mới và luôn mang tâm lý thích thể hiện bản thân, đây là lý do mà trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử dễ dàng xâm nhập vào trong môi trường học đường.

Tác hại của thuốc lá điện tử

Trong thuốc lá điện tử có chứa chất nicotine là chất gây nghiện và gây hại đến sự phát triển của não bộ của trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ và thậm chí là gây ra các cơn đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, đề kháng và ngoài ra trong thuốc lá nếu tạp chất có nồng độ cao sẽ gây ra ngộ độc.

Khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng chúng.

Thuốc lá điện tử gây hại đến sức khỏe của người sử dụng

Thiết bị của thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng.

Nếu không có thuốc lá người dùng thường khó chịu, tính tình thay đổi và dễ cáu gắt, nóng nẩy. Vậy nên nếu ở học sinh hút thuốc sẽ khiến các em vừa ảnh hưởng đến sức khỏe lại vừa thay đổi hành vi và nhận thức của mình.

Thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu thông thường cái nào nguy hiểm hơn?

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, thuốc lá điện tử có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường, cả hai đều gây hại đến sức khỏe. Nồng độ một số hóa chất ở thuốc lá điện tử thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chất thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe. Vì vậy như các lời quảng cáo cho rằng thuốc lá điện tử ít nguy hại hơn thuốc lá điếu thông thường là sai.

Thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử đều nguy hiểm ngang nhau

Vai trò của gia đình và nhà trường

Để hạn chế được tối đa sự len lỏi của thuốc lá điện tử trong môi trường học đường như hiện nay thì vai trò gia đình và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng.

Đối với gia đình phụ huynh cần chú ý:

Quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và giám sát từ xa mọi hoạt động, cử chỉ trong cuộc sống của con trẻ để dễ dàng phát hiện ra hành vi bất thường.

Khi thấy sức khỏe của con trẻ bị giảm sút hoặc tính tình khó chịu, có sự giấu diếm cần làm rõ là con bị gì, nếu cần thì liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

Nếu phát hiện con em mình sử dụng thuốc lá điện tử nên khuyên ngăn để các em không lún sâu vào những chất này.

Đối với nhà trường

Bên cạnh  vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội:

Nên tuyên truyền, giáo dục học sinh biết về tác hại của thuốc lá điện tử, chất gây nghiện để làm tăng nhận thức của các em.

Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.

Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất ở học sinh: các đối tượng trước cổng trường hoặc trong căn tin để hạn chế vấn đề này. Nếu có phát hiện những đối tượng dụ dỗ học sinh thì nhà trường nên liên hệ đến công an để ngăn chặn hành vi này tránh gây hệ lụy đến các thế hệ học sinh.

Các em là những nhân tố tương lai vì vậy các em phải khỏe mạnh để góp phần cho sự phát triển của xã hội, đất nước chúng ta.