Mới đây, trong chiến dịch nhặt rác toàn quốc lần 5, tại đầu cầu Tiền Giang, các bạn trẻ đã cùng nhau dọn sạch rác, trả lại cảnh quan trong lành. Hình ảnh rác đen đặc từ thùng xốp, chai nhựa, ni lông, bơm tiêm, xác động vật… đủ thứ với mùi khiến ai đi qua cũng phải lấy tay bịt mũi. Nhưng các bạn vẫn dọn không chút nề hà, giữa cái nắng gay gắt, cùng với sự hỗ trợ từ địa phương, 19 tấn rác đã được dọn sạch.
Mong những hình ảnh tích cực này sẽ lan tỏa được nhiều hơn, để những người thiếu ý thức nhìn vào, có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Các hình ảnh được chia sẻ cho thấy, rất nhiều bạn trẻ không ngại mùi hôi thối, dòng nước đen. Họ đã cố gắng và nỗ lực nhặt sạch rác để đưa đến bầu không khí trong lành.
Nhờ quá trình dọn dẹp vất vả, dòng nước đã trở nên sạch hơn, không còn rác thải ngập ngụa ở khắp nơi.
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các đô thị có xu hướng tăng trung bình từ 10% - 16%. Trong đó, tỷ lệ thu gom rác thải tại các đô thị bình quân trên cả nước chỉ đạt khoảng 70% - 85%.
Hiện nay, trên toàn quốc lượng chất thải sinh hoạt ở các khu đô thị phát sinh 38.000 tấn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý hơn 85%. Con số này ở nông thôn là 32.000 tấn mỗi ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%.
Rác thải sinh hoạt có ảnh hưởng tới nhiều mặt của môi trường, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay.
Rác thải sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến cả nguồn nước mặt và nước ngầm. Rác có thể do người dân đổ trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ, cống rãnh… Lượng rác này sau khi bị phân huỷ sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng nước mặt, nước ngầm trong khu vực, làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, gây ra các bệnh nguy hiểm.
Trong thành phần rác thải có chứa nhiều chất độc, khi rác thải được đưa vào môi trường và không được xử lý khoa học thì những chất độc xâm nhập vào đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất, làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học và phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Đặc biệt, hiện nay, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày, mà các túi nilon này cần 50 - 60 năm mới phân hủy trong đất. Do đó, chúng tạo thành các bức tường ngăn cách trong đất, hạn chế quá trình phân hủy, tổng hợp các chất dinh dưỡng, làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút.
Theo Xanh Việt Nam