14/12/2022 - Phạm Trăm

Những bước dậm chân dứt khoát, những cú xoay tung váy là đặc trưng của một trong những điệu múa cổ điển Kathak xuất phát từ miền Bắc Ấn đã được giới thiệu tới các sinh viên TP.HCM trong 2 ngày 12-13/12.

Kathakars Nalini và Kamalini - đôi vũ công nổi tiếng từ Dance Institute East Delhi đã mang đến câu chuyện kể về điệu vũ Kathak của Ấn Độ tới những người trẻ TP.HCM để hiểu rõ hơn về một nền văn hóa cổ xưa. Hoạt động diễn ra tại Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tối ngày 12/12 theo lời mời của Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ, Bộ Ngoại giao. Đây là hoạt động tại nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam (1972 - 2022). “Ai trong chúng ta đều là vũ công trong cuộc sống mà không nhận ra. Đôi mắt, cửa sổ tâm hồn, hàng ngày đều chuyển động cuốn theo những gì diễn ra trước mặt. Mỗi người đều có giọng nói khác nhau nhưng chúng ta thể hiện cùng một ngữ điệu khi bày tỏ cảm xúc. Bước chân ta đi trên mặt đất cũng phải giữ đều nhịp để giữ cân bằng” là câu chuyện hai chị em nhà Asthana mang đến cho sinh viên TP.HCM. Đối với họ mỗi mầm sống là một điệu nhạc. Kathakars - vũ công Kathak là người phiêu bạt khắp nơi kể lại các huyền thoại bằng lời hát và vũ điệu như những bài hát Hy Lạp cổ. Điệu múa bắt nguồn từ trước công nguyên trước khi có các nhạc cụ kể những câu chuyện thần thoại.
[caption id="attachment_2685" align="aligncenter" width="750"] Sinh viên thành phố được đoàn Dance Institute East Delhi hướng dẫn khiêu vũ Kathak.[/caption]  
Vũ công nhảy theo âm tiết của người hát theo nhịp “Ta Thei Thei Tat, Aa Thei Thei Tat” ở thể loại Tatkaar. Ở thể loại Chaugun-Laya, vũ công nhảy theo âm tiết 1-8. Kathak được chia ra nhiều nhánh thể hiện sự phong phú của đời sống văn hoá cổ xưa của người Ấn Độ. Khi nhạc cụ xuất hiện, trống tabla, chũm chọe manjira và đàn sarangi … được sử dụng để hoà âm tiết cho vũ điệu Kathak. Vũ công Katha sơn đỏ đôi bàn chân để thu hút ánh nhìn về chuyển động của đôi chân. Họ đeo những vòng đồng vào cổ chân để tạo ra các âm thanh theo điệu nhảy thay nhịp trống. Thêm vào đó là tiếng vỗ tay cùng với nhịp nhảy cao chạm sàn tạo ra các tiếng động trong những câu chuyện săn bắn, cày cuốc của người xưa. Đôi khi, chiếc khăn voan mỏng đi đôi với bộ sari là đạo cụ trong vũ điệu Kathak, người vũ công che mặt rồi mở ra lộ ra trạng thái mới của khuôn mặt. Đôi mắt của họ vẽ đường cong mắt mèo sắc nét cùng với hoa văn giọt nước chảy trên trán cũng sắc không kém.
Đôi song vũ Nalini - Kamalini cùng với các vũ công khác từ Dance Institute East Delhi giới thiệu điệu nhảy Kathak lồng ghép tri thức dân gian từ hơi thở trong nhịp dậm chân, cử chỉ cánh tay, mang lại sự điều hòa trong hơi thở. Khi nhảy vũ điệu Kathak, người vũ công sẽ thoát khỏi suy nghĩ vương vấn trong đầu, một trạng thái mà con người có thể đạt đến trong thiền định. Nhưng đến cao trào của câu chuyện, nét mặt và đôi mắt của Kathakar kể nên tình yêu, sự thống khổ hay sự sùng bái. Sau nhiều biến cố trong thời gian dài, Kathak trở lại và được bảo tồn cho đến hôm nay. Sự thể hiện nội tâm trong Kathk đã được người Ấn Độ mang vào diễn xuất trong những bộ phim Bollywood sau này.
[caption id="attachment_2686" align="aligncenter" width="750"] Đôi song vũ Nalini - Kamalini biểu diễn Kathak ở TP.HCM[/caption] Đôi song vũ Nalini - Kamalini được đạo sư Jitendra Maharaj đào tạo. Ông được thế giới biết đến như nhạc trưởng người bảo tồn tính nguyên bản của phong cách đền thờ trong khiêu vũ Kathak. Bà Nalini mời gọi sinh viên thành phố đến Ấn Độ để chiêm ngưỡng điệu vũ Kathak cổ được khắc họa trên những đền cổ từ trước công nguyên. Bất cứ di tích Hindi cổ nào còn tồn tại theo thời gian đều có dấu ấn của điệu vũ này như cách người xưa ghi dấu lại truyền thuyết và phong tục người Hindu thời kỳ đầu. Sau công nguyên, những bức điêu khắc về Katha được khoác thêm chiếc áo sắc màu làm điệu nhảy càng thêm sinh động lan toả điệu nhảy từ trung tâm Bắc Ấn trải dài qua các vùng miền. [caption id="attachment_2687" align="aligncenter" width="750"] Kathakars Nalini và Kamalini chụp ảnh kỷ niệm với sinh viên thành phố.[/caption]