|
Ảnh minh họa |
Lì xì (mừng tuổi) đầu năm là phong tục truyền thống có từ ngàn đời nay. Trong ngày Tết, cha mẹ thường lì xì cho ông bà và người già để bày tỏ tấm lòng biết ơn, tri ân, quan tâm, hiếu kính, hiếu thảo và cầu mong ông bà luôn mạnh khỏe và trường thọ... Ông bà, bố mẹ, người lớn lì xì cho trẻ nhỏ và chúc các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu kính, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ… Bản chất của việc lì xì không nằm ở số tiền mà ở ý nghĩa tình thần tốt đẹp, là lời chúc may mắn của người lớn đến trẻ con và lời chúc sức khỏe của người trẻ đến người già.
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… cũng có tục mừng tuổi nhân dịp đầu năm mới.
Ngày nay, tục lì xì bị biến tướng, vật chất hóa, từ suy nghĩ thực dụng của người lớn đã thấm sang cả con trẻ, khiến chúng bắt đầu có sự so bì, người này mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều và làm thước đo để đánh giá người tốt, người xấu…
Nguồn gốc của phong tục lì xì
Phong tục lì xì đầu năm được thêu dệt khá nhiều câu chuyện. Có chuyện kể rằng: Có một gia đình nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy có có 8 vị tiên dạo chơi qua nhà biết rằng chú bé này sẽ gặp họa với yêu quái nên biến thành 8 đồng tiền đồng, cha mẹ chú bé gói vào tờ giấy màu đỏ đặt bên cạnh gối của cậu bé. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên tia sáng khiến con quái vật hoảng sợ phải bỏ chạy. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian, nên khi Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ để tặng cho trẻ con, để trẻ chóng lớn, khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn. Từ đó, trở thành tục lì xì đầu năm.
Câu chuyện khác kể rằng: Tiền lì xì được biến thể từ tục “đặt áp tế tiền”- là những đồng tiền xâu bằng chỉ đỏ, buộc lại theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở giường với mục đích chống tà ma, bảo vệ giấc ngủ cho trẻ nhỏ. Theo thời gian, mọi người để tiền trong bao giấy màu đỏ để trao cho nhau vào dịp năm mới với ý nghĩa chúc nhau sung túc, khỏe mạnh, an khang. Lì xì từ đó trở thành phong tục không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới. Dù có bao nhiêu “dị bản”, phong tục lì xì đầu năm luôn gắn liền với mong ước sức khỏe dồi dào và cầu chúc những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến với những người thân yêu.
Nghĩa của từ lì xì và ý nghĩa của phong tục lì xì đầu năm
Lì xì là phiên âm của “lợi thị” trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Tiền lì xì, một trong những phong tục của năm mới, được người lớn tuổi phát cho thế hệ trẻ, sau bữa cơm năm mới, người lớn tuổi sẽ phát tiền lì xì đã chuẩn bị sẵn cho thế hệ trẻ, người ta nói rằng tiền lì xì năm mới có thể trấn áp tà ma, thế hệ trẻ có thể yên tâm trải qua năm đầu tiên bằng tiền lì xì năm mới. Ở một số gia đình, cha mẹ đặt con cái dưới gối để lì xì trong đêm giao thừa sau khi chúng đã ngủ, điều này thể hiện sự quan tâm của người lớn tuổi đối với thế hệ trẻ và sự tôn trọng của thế hệ trẻ đối với người lớn tuổi. Một sinh hoạt dân gian lồng ghép đạo đức gia đình. Trong văn hóa dân gian, lì xì mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, xua đuổi ma quỷ, cầu bình an. Mục đích ban đầu của tiền lì xì năm mới là để trấn áp tà khí, xua đuổi tà khí, vì người ta cho rằng trẻ nhỏ dễ bị lừa nên dùng tiền lì xì để trấn áp tà khí, xua đuổi tà ma.
Tại sao tiền lì xì thường được đặt trong phong bao màu đỏ?
Phong bao tượng trương cho sự kín đáo, không so bì hơn thua. Màu đỏ tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm; là màu của niềm tin, hy vọng và sự may mắn. Người xưa đặt tiền lì trong phong bao màu đỏ với niềm tin rằng nhưng phong bao lì xì này sẽ đem lại hạnh phúc, tài lộc trong suốt cả năm cho mọi người.
Lì xì ông bà và người lớn tuổi
Từ xưa đến nay, trong ngày Tết thì cha mẹ lì xì cho ông bà và những người lớn tuổi với những lời chúc tốt đẹp để bày tỏ sự quan tâm, lòng hiếu kính, hiếu thảo đối với ông bà. Cứ vào lúc giao thừa hoặc sáng mồng một Tết, sau khi rửa mặt bằng nước mùi thơm, mặc quần áo đẹp, lịch sự, mọi người sẽ đi chúc Tết. Cha mẹ sẽ tặng phong bao lì xì mừng tuổi ông bà, người già trong dòng họ để cảm ơn, tri ân, cầu mong các ông bà, luôn mạnh khỏe và sống trường thọ bên con cháu. Việc lì xì cho người già không chỉ thể hiện sự trân trọng và tình cảm yêu quý đối với người già mà còn nhắc nhở chúng ta biết tri ân ơn đức của ông bà, người già đối với gia đình và xã hội. Bởi, người già không chỉ có nhiều kinh nghiệm sống quý báu truyền lại cho con cháu mà còn tạo cơ hội cho các con cháu được rèn luyện hiếu đạo, thực hành văn hóa yêu thương, sẻ chia…
Lì xì trẻ nhỏ
Người lớn cũng lì xì trẻ nhỏ và chúc các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu hảo với ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người có điều kiện, đi “ngoại giao" ngày Tết nên lì xì rất nhiều tiền cho trẻ nhỏ. Nếu cha mẹ không có định hướng giáo dục trẻ cách nhận tiền lì xì và sử dụng tiền lì xì thì rất có thể sẽ tạo cơ hội để làm hư trẻ. Các con sẽ mặc nhiên hiểu rằng số tiền lì xì là của mình và toàn quyền sử dụng nó vào những việc không đúng mục đích như: Chơi game, mua máy chơi game, mua điện thoại hoặc những đồ xa xỉ... Cho nên, mỗi khi lì xì cho con trẻ, người lớn phải tận dụng cơ hội này để dạy bảo con cái. Như vậy, lì xì cho trẻ nhỏ mới có ý nghĩa.
Dạy trẻ cách nhận và sủ dụng tiền lì xì
Ông bà, cha mẹ có thể chia sẻ với các con rằng: “Những người lì xì cho các con là những người quan tâm, yêu thương các con, mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các con trong năm mới. Các con phải ghi nhớ và cảm ơn người đã quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ các con trong cuộc sống. Khi được người lớn mừng tuổi, trước tiên các con phải cung kính nhận bằng hai tay, nói lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp tới người vừa mồng tuổi cho mình". Cha mẹ nên căn dặn trẻ không nên tùy tiện mở phong bao lì xì trước mặt người lớn, mà trân trọng trao lại cho cha mẹ, nhờ cha mẹ cất giữ để mua đồ dùng, sách vở hoặc mua đồ tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn.