BHXH là chính sách an sinh của Chính phủ, với mục đích đảm bảo hoặc thay thế một phần thu nhập của người lao động khi bị ốm đau, thai sản, gặp tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi hết tuổi lao động hoặc qua đời. Số tiền nhận được, sẽ dựa trên cơ sở tương ứng với mức đóng vào quỹ BHXH, theo quy định của nhà nước.

Trong đó, phần cốt lõi của chính sách BHXH chính là chế độ hưu trí, dành cho những người đến tuổi hết khả năng lao động. Lương hưu giúp người lao động khi về già có khả năng đảm bảo, cho những chi phí cơ bản của cuộc sống, và được tiếp tục duy trì thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khoẻ.

Hiện nay, tình trạng người lao động muốn rút BHXH một lần vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Tính từ năm 2016 cho đến hiện tại, cứ 2 người tham gia BHXH thì có 1 người ra khỏi hệ thống bằng việc rút BHXH một lần. Nguyên nhân dẫn đến việc này theo khảo sát của Liên Đoàn Lao Động, là do đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở thời điểm trong và sau đại dịch Covid 19, khiến nhiều lao động mất việc làm.

Thất nghiêp - như bóng đen bao trùm lấy hàng dài người lao động, đang tìm kiếm nguồn sống cho mình và gia đình

 

Trong khi đó, chính sách của BHXH hiện tại vẫn chưa có sự linh hoạt và hấp dẫn. Người lao động cần lo toan, đảm bảo cho cuộc sống trước mắt, hơn là sự gắn bó lâu dài để hưởng những chế độ về sau. Cụ thể, hiện tại người lao động phải có ít nhất 20 năm tham gia đóng BHXH, và đến đúng độ tuổi mới được hưởng chế độ hưu trí. Đó là một khoảng thời gian quá dài, mà trong tình trạng “thiếu việc” như hiện nay thì có những người dù muốn cũng không thể duy trì, số còn lại thì không đủ kiên nhẫn để chờ.

Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, hay nợ BHXH vẫn đang diễn ra, và người chịu thiệt luôn là người lao động. Niềm tin của họ vào hệ thống an sinh dần mất đi. Chính vì vậy, dù biết rõ sẽ có nhiều thiệt thòi khi rút BHXH một lần thì người dân vẫn chọn, như cách để tự đảm bảo sự an toàn cho bản thân.

Ngoài việc hỗ trợ cuộc sống hiện tại, tự vượt qua giai đoạn khó khăn, thì đa phần người lao động khi mất việc làm đều coi tiền BHXH là “chút vốn liếng”, mà sau nhiều năm lao động vất vả mới có được. Nhiều dự tính, kế hoạch trong tương lai phụ thuộc vào đó. Thay vì chọn đặt tương lai của mình vào nơi thiếu niềm tin, cơ chế không hấp dẫn, thời gian chờ đến lúc được thụ hưởng quá dài. Thì việc tự lập kế hoạch sử dụng nguồn vốn của bản thân, để tự lo trong tương lai có thể coi là lựa chọn không sai.

Tiếp đến là vấn đề bảo hiểm y tế, dành cho đối tượng hưu trí. Ở độ tuổi không còn sức lao động, thì liệu còn có bao nhiêu người đủ minh mẫn, kiên trì để chờ đợi những đợt khám sức khoẻ miễn phí? Khi mà hệ thống xử lý thủ tục y tế ở nước ta đang quá cồng kềnh và lạc hậu. Chưa kể đến những tình huống “phân biệt đối xử”, quá rõ ràng giữa đối tượng khám chữa bệnh thuộc diện BHYT và ngược lại.

Bố tôi, một Nhà báo hưu trí là ví dụ cụ thể cho trường hợp này. Căn bệnh tiểu đường, huyết áp cao đã buộc ông phải theo dõi, và khám định kỳ tại một trong những bệnh viện có tiếng ở TPHCM. Nhưng vì quá mệt mỏi về việc phải xếp hàng chờ cả ngày, và cũng không đủ bình tĩnh khi đã mất công chờ đợi nhưng chỉ được khám bệnh một cách sơ sài, và cấp thuốc không đầy đủ. Ông đã phải gặp trực tiếp giám đốc bệnh viện, để hỏi rằng: “Sau bao nhiêu năm cống hiến cho đất nước và sự nghiệp làm báo, cái tôi nhận được chỉ là thái độ tắc trách của bác sĩ, và một ít thuốc không đủ dùng trong 1 tuần hay sao?”. Dù sau đó thái độ của bệnh viện đối với ông có thay đổi, thì tôi nghĩ niềm tin vào cơ chế an sinh suốt bao năm của ông cũng đã không còn như trước.

Tôi tin dù bất kỳ ai, ở bất cứ độ tuổi nào thì cũng đều mong muốn có một nơi an yên, một nguồn thu nhập ổn định ở tuổi xế chiều. Thay vì cảnh báo người lao động những khó khăn khi về già, nếu không có chế độ an sinh của BHXH. Thì tôi mong đến một lúc nào đó, sẽ đọc được thông tin cải cách về cơ chế bảo hiểm, mức lợi tức hấp dẫn về lâu dài, và chế độ an sinh tốt hơn. Có như vậy, người lao động mới có thể thay thế sự thờ ơ đối với BHXH, bằng một thái độ tích cực hơn.